Trốn đóng bảo hiểm, tảo hôn - phạt 2 năm tù

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) tại buổi thảo luận tại hội trường ngày 30/10 về Điều 220, dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi), liên quan đến tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ bị phạt cao nhất 2 năm tù.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Đại biểu Quốc hội Lạng Sơn. Ảnh: XH
Ông Nguyễn Lâm Thành, Đại biểu Quốc hội Lạng Sơn. Ảnh: XH
Trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ bị phạt tù

Ông Thành cho rằng, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đợt này trình Quốc hội có nhiều điểm mới trên tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, và đặc biệt trước những yêu cầu đổi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dự thảo đã được lấy ý kiến của Nhân dân và đã thu được những kết quả hết sức quan trọng.

Góp ý vào Điều 220, tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ông Thành đồng ý với quan điểm bổ sung điều luật mới này, nhằm bảo đảm nghiêm minh, thực thi chính sách, bảo vệ quyền lợi của người lao động. 
Với quy định trong dự thảo luật sẽ tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất nhỏ, tình hình kinh tế khó khăn vừa qua số doanh nghiệp giải thể, thua lỗ, không có lợi nhuận, lợi nhuận ít chiếm số đông. 
Bên cạnh đó các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn trong thủ tục hành chính, các khoản thu, nộp chính thức và không chính thức cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả sản xuất kinh doanh nên việc duy trì sản xuất, sản xuất có lãi không phải là điều dễ dàng.

“Theo tôi cần đánh giá tác động điều luật này, nếu không sẽ diễn ra tình trạng doanh nghiệp không dám thành lập, không dám mở rộng sản xuất. 

Nhất là các hoạt động thu hút nhiều lao động giản đơn, tạm thời, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ không tạo thêm việc làm cho xã hội khi các hành vi trốn đóng bảo hiểm bị hình sự hóa ở mức độ cao” – Ông Thành nói.

Ông Thành đề nghị, về mức độ hành vi trốn đóng được hiểu là không và đóng không đồng đầy đủ số tiền, số lượng phải đóng theo quy định từ 6 tháng trở lên. 
Cần có sự phân biệt về hai loại mức độ, hành vi không đóng và hành vi đóng không đầy đủ để có những quy định xử phạt khác nhau một cách phù hợp. Hiện trong dự thảo đang quy định đồng nhất hai hành vi này.

“Tại Khoản 1, vi phạm 6 tháng sau khi xử phạt hành chính chỉ nên quy định xử phạt bằng hai lần mức đóng. Vi phạm một năm chỉ nên xử phạt bằng ba lần mức đóng và phạt cải tạo không giam giữ đến 6 tháng thay vì trong dự thảo là 2 năm. 

Thay đổi quy mô số lao động trốn đóng từ 50 người trở lên thay vì mốc 20 người. Với doanh nghiệp số lượng trốn đóng từ 20 đến 50 người, dưới 50 người chỉ nên quy định mức xử phạt tiền và áp dụng biện pháp rút giấy phép và cấm kinh doanh, không áp dụng hình phạt cải tạo và hình phạt tù. Đề nghị cũng điều chỉnh điều này tương thích với Điều 201 về tội trốn thuế” – Ông Thành nói.

Tảo hôn sẽ bị phạt tù

Về Điều 183 tội tổ chức tảo hôn. Theo ông Thành, tảo hôn là tình trạng khá phổ biến ở vùng dân tộc hiện nay. Theo báo cáo của các địa phương và Ủy ban dân tộc, nhiều xã, huyện tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 30%, có xã tới 68%, có dân tộc 33% và thấp cũng là 16%. 

Với tuổi kết hôn phổ biến từ 14 đến 17 tuổi, cá biệt có những trường hợp 12 và 13 tuổi. Đây là thực trạng đáng lo ngại, phần lớn trong số này là các hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa, nghèo, trình độ học vấn thấp, điều kiện sống khó khăn. Việc tảo hôn cũng xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau, cả chủ quan và khách quan.

Ông Thành nói: Theo quy định của dự thảo luật khi có một vụ tổ chức tảo hôn, theo logic thông thường sẽ có ít nhất 4 người là bố, mẹ hai bên phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Nếu thực hiện nghiêm pháp luật thì số vụ, số người phải chịu trách nhiệm sẽ rất lớn. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có báo cáo tác động của điều luật này và cũng có báo cáo kết quả việc thực hiện điều này trên cơ sở Bộ luật hình sự cũ vừa qua.

Theo tôi cần cân nhắc điều luật này và phân định cụ thể hơn, quy định xử phạt hành chính đối với lần 1, với hành vi tái phạm lần hai thì xử phạt 10 triệu đồng thay vì 10 - 30 triệu đồng, tái phạm lần 3 thì xử lý cải tạo, phạt cải tạo không giam giữ 6 tháng thay vì đến 2 năm.

“Điều căn bản nhất ở đây là muốn làm giảm tệ nạn tảo hôn thì cần làm tốt công tác phát triển kinh tế, giáo dục vận động tuyên truyền và đó là trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương” – Ông Thành nhấn mạnh.
Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ