Trộm ngân hàng theo Sherlock Holmes

GD&TĐ - Từ niềm đam mê với bộ tiểu thuyết Sherlock Holmes, Tony Gavin, cùng với băng đảng đã ăn trộm tiền từ ngân hàng an toàn nhất nhì Vương quốc Anh.

Từ trái qua phải: Ngân hàng Lloyds, cửa hàng Chicken Inn và 'đại bản doanh' Le Sac.
Từ trái qua phải: Ngân hàng Lloyds, cửa hàng Chicken Inn và 'đại bản doanh' Le Sac.

Cuộc hội thoại bất ngờ

Buổi sáng thứ Hai (13/9/1971), khi Ngân hàng Lloyds, một trong những ngân hàng an toàn nhất Vương quốc Anh, mở cửa giao dịch sau ngày nghỉ cuối tuần, nhân viên quản lý bàng hoàng phát hiện tiền trong các két bảo mật đã không cánh mà bay.

Các két rỗng nằm vương vãi trên sàn nhà cho thấy dấu hiệu của một vụ đột nhập.

Ước tính, khoảng 3 triệu bảng Anh cùng vô số tài liệu quan trọng trong ngân hàng đã bị đánh cắp. Con số này tương đương với 41 triệu bảng Anh ngày nay.

Bằng chứng rõ ràng nhất về vụ trộm là một dòng chữ nguệch ngoạc được viết trên tường với nội dung: “Để xem Sherlock Holmes giải quyết bài toán này thế nào”.

Tại hiện trường, cảnh sát ghi nhận một cái hố trên sàn nhà gắn liền với một đường hầm dài 12m với diện tích đủ cho một người trưởng thành di chuyển. Trong hầm, cảnh sát tìm thấy một bộ đàm và các công cụ đào hầm. Cái hố được đào một cách thô sơ hoàn toàn bằng sức người và dẫn đến cửa hàng bán đồ da Le Sac, đi xuyên qua nền của nhà hàng Chicken Inn nằm giữa hai địa điểm.

Cảnh sát kết luận một băng đảng đã đào hầm chui từ cửa hàng da Le Sac đến Ngân hàng Lloyds và ăn trộm tiền trong những ngày cuối tuần mà không bị ai phát hiện.

Chúng đã sử dụng bộ đàm để phối hợp thực hiện phi vụ.

Tình cờ thay, vào tối thứ Bảy trước đó, một nhân chứng đã vô tình được “tham gia” vào vụ trộm đó.

Tối muộn ngày 11/9/1971, ông Robert Rowlands, một người đam mê radio, đã tình cờ bắt được một tần số lạ khi đang quét sóng từ căn hộ nằm trên phố Wimpole (London), để nghe những chương trình cấm.

Tần số lạ truyền đến cuộc hội thoại của hai người đàn ông, trò chuyện qua bộ đàm sử dụng tần số công cộng.

Một trong hai tên cằn nhằn vì khói và bụi bốc lên sau vụ nổ khiến việc dò dẫm tìm két sắt khó thực hiện hơn so với tưởng tượng. Vì vậy, hai tên này cãi nhau xem nên làm gì tiếp theo.

Hai phương án được đưa ra là tiếp tục phi vụ hay rút lui và quay trở lại sau vài tiếng nữa, khi đám khói bụi đã lắng xuống. Cuối cùng, chúng chọn phương án sau.

Dựa vào những thông tin nghe được, Robert đoán hai người này ở trong một nhóm tội phạm đang thực hiện cướp ngân hàng. Một trong hai người có thể đang ở trong ngân hàng trong khi người còn lại ngồi trên mái nhà gần đó để quan sát. Tuy nhiên, chúng không nhắc đến tên ngân hàng hay địa điểm ăn trộm.

Robert Rowland tình cờ nghe được cuộc đối thoại của những tên trộm.

Robert Rowland tình cờ nghe được cuộc đối thoại của những tên trộm.

Vì vậy, Robert liền gọi điện báo cáo sự việc cho đồn cảnh sát địa phương nhưng thông tin của anh ta bị xem nhẹ. Cảnh sát trực hôm đó cảm thấy câu chuyện này vô cùng phi lí. Hơn nữa, đó là 1 giờ sáng thứ Bảy nên họ tưởng mình đang bị trêu đùa. Viên sĩ quan đề nghị Robert ghi âm đoạn hội thoại nếu muốn, rồi gác máy.

Dù biết viên sĩ quan đang trêu mình nhưng nghĩ đây là ý kiến hay nên Robert quyết định làm theo. Thế là, toàn bộ đoạn hội thoại tranh cãi của hai tên trộm đã bị một người lạ ghi lại.

Nhận thấy vấn đề thực sự nghiêm trọng vì toán cướp đã đến rất sát mục tiêu, Robert liền gọi lại cho cảnh sát. Lần này, các điều tra viên đã quyết định đến nhà anh để nghe đoạn băng.

Vì có kinh nghiệm dò tần số, Robert dự đoán tín hiệu ở rất gần phố Wimpole nhưng các nhà chức trách khăng khăng sẽ khám xét mọi ngân hàng trong bán kính 12km. Tổng cộng 750 ngân hàng được đưa vào danh sách nên quá trình này có thể mất đến vài ngày.

Sai lầm sơ đẳng

Chiều Chủ nhật, các điều tra viên đã đến kiểm tra Ngân hàng Lloyds nhưng chỉ phía bên ngoài. Ngân hàng Lloyds chia làm hai khu vực, trong đó phía ngoài là phòng làm việc của nhân viên, nơi giao dịch với khách hàng còn bên trong là kho chứa tiền.

Hai khu vực được ngăn cách bởi một cánh cửa thép dày. Nhìn từ bên ngoài, cánh cửa không hề xoay chuyển nên cảnh sát tin rằng kho tiền đang được bảo mật tốt, không có dấu hiệu bị xâm nhập. Vì vậy, họ tiếp tục đi sang những ngân hàng khác mà không ngờ rằng, phía sau cánh cửa thép, những tên trộm đang hành động.

Ngân hàng Lloyds nằm trên phố Baker là một trong những ngân hàng lâu đời và nổi tiếng nhất Vương quốc Anh. Phố Baker cũng chính là nơi sinh sống của thám tử Sherlock Holmes, nhân vật chính trong tiểu thuyết trinh thám cùng tên của nhà văn Conan Doyle. Hầu hết các câu chuyện về Sherlock Holmes cũng diễn ra trên con phố nổi tiếng này. Chi tiết này trùng khớp với lời thách thức mà các tên trộm để lại.

Đến sáng 13/9, mọi chuyện đã được phát hiện quá muộn. Những tên trộm đã ôm theo khoản tiền khổng lồ và bỏ trốn, để lại cho cơ quan điều tra hàng trăm nghi vấn.

Rất nhanh sau đó, cảnh sát phát hiện manh mối từ cửa hàng da Le Sac. Căn nhà này mới được một người đàn ông 64 tuổi, tên Benjamin Wolfe, thuê lại cách đó 3 tháng để kinh doanh. Tuy nhiên, mọi người xung quanh ghi nhận cửa hàng hoạt động rất ế ẩm và luôn treo biển đóng cửa để sửa chữa.

Ảnh chụp trước cửa Lloyds hôm 12/9, khi bọn trộm đang 'khoắng' tiền bên trong.

Ảnh chụp trước cửa Lloyds hôm 12/9, khi bọn trộm đang 'khoắng' tiền bên trong.

Qua điều tra, cảnh sát phát hiện cái tên Benjamin Wolfe không phải tên giả. Ông ta vấp phải một lỗi rất sơ đẳng khi phạm tội là cung cấp giấy tờ tuỳ thân thật để thuê nhà. Từ người này, cảnh sát lần ra những tên trộm còn lại và tái hiện được toàn bộ âm mưu trộm cắp.

Kẻ chủ mưu là nhiếp ảnh gia Tony Gavin, sống ở phía Bắc London. Hắn ta từng tham gia vào một vụ mua bán thuốc lá lậu. Tony đã theo dõi Lloyds một thời gian và quyết định đột nhập vào ngân hàng này vì tin rằng với danh tiếng của mình, Lloyds sẽ cất giữ rất nhiều tiền.

Hơn nữa, ngoài tiền mặt, ngân hàng này cất giữ nhiều hồ sơ của những người thuộc giới thượng lưu và những vật phẩm bí mật khác. Nếu số tài liệu này biến mất, chủ nhân của chúng cũng sẽ không dám khiếu nại. Điều đó càng củng cố quyết tâm cho Tony.

Tuy nhiên, hắn ta sẽ không thể thực hiện phi vụ một mình. Người đầu tiên tham gia là Reg Tekker, bạn của Tony. Hắn ta được giao nhiệm vụ mở một tài khoản tại ngân hàng và đăng ký một hộp ký gửi an toàn trong kho tiền.

Reg đã đến kho tiền của ngân hàng khoảng 13 lần để đo hộp ký gửi an toàn trong thời gian sử dụng nó bằng một chiếc ô hoặc cổ tay. Hắn ta cũng đo kích thước của từng viên gạch, đếm số viên gạch lát trong phòng theo chiều ngang, chiều dọc và lập bản đồ toàn bộ không gian kho bạc. Mất khoảng 2 tháng để hoàn thành nhiệm vụ này.

Sau Reg, Thomas Stephen, một người buôn bán ô tô cũ gia nhập băng đảng. Hắn ta có nhiệm vụ thu thập các dụng cụ cần thiết cho việc đào hầm. Còn Benjamin Wolfe đứng ra thuê mặt bằng và mở cửa hàng. Ngoài ra, cơ quan điều tra nghi ngờ nhiều kẻ khác đã tham gia vào phi vụ này như một chuyên gia về chất nổ, một người làm nhiệm vụ canh gác...

Còn nhiều nghi vấn

Hiện trường ngổn ngang trong kho chứa tiền của Ngân hàng Lloyds.

Hiện trường ngổn ngang trong kho chứa tiền của Ngân hàng Lloyds.

Bọn trộm chỉ đào hầm vào cuối tuần và treo biển “Đang sửa chữa” nên dù từ Le Sac phát ra nhiều âm thanh đục đẽo nhưng mọi người xung quanh không nghi ngờ.

Khi đào đến sàn của nhà hàng Chicken Inn, băng nhóm vấp phải sàn bê tông cốt thép dày một mét của kho tiền. Để vượt qua “chướng ngại vật”, nhóm quyết định sử dụng chất nổ. Điều này đã tạo nên cuộc tranh cãi về khói bụi mà Robert Rowlands nghe trộm được.

Trong quá trình đào hầm, một người được giao nhiệm vụ túc trực trên nóc tòa nhà gần đó và sử dụng bộ đàm để thông báo trong trường hợp có bất kỳ sự cố nào. Người còn lại mang theo bộ đàm đào hầm chính là Tony. Cuộc trò chuyện giữa họ đã bị Robert phát hiện.

Ngoài ra, bọn cướp gặp may vì hệ thống báo động của ngân hàng không hoạt động. Trước đó, vào cuối mùa Hè, do phố Baker sửa đường nên hệ thống báo động của ngân hàng liên tục nhầm lẫn và báo sai. Do đó, ban quản lý ngân hàng đã quyết định tắt hệ thống báo động cho đến khi đường phố sửa chữa xong nhưng cuối cùng họ đã không bật lại.

Ngày 2/1/1973, phiên tòa xét xử vụ cướp Ngân hàng Lloyds diễn ra với bốn bị cáo là Tony Gavin, Reg Tekker, Benjamin Wolfe và Thomas Stephens.

Tòa án nhận định kế hoạch và cách đào hầm của băng đảng rất hoàn hảo nên không dẫn đến việc bị sụt lở hay bị phát hiện. Tuy nhiên, đây là một vụ cướp có chuyên môn cao nên cơ quan điều tra nghi ngờ đứng sau đó là tên tội phạm chuyên nghiệp hơn.

Dù vậy, điều này không bao giờ được chứng minh. Những tên trộm cũng chưa hé lộ nửa lời để xác nhận nghi ngờ. Kẻ chủ mưu, Tony Gavin, thừa nhận vì hâm mộ Sherlock Holmes nên đã lên kế hoạch vụ cướp dựa trên tập “Hội tóc đỏ” trong bộ tiểu thuyết.

Nội dung truyện xoay quanh vụ cướp ngân hàng được thực hiện bằng cách đào đường hầm. Tony chọn Lloyds một phần cũng vì ngân hàng này nằm trên phố Baker, nơi ở của Sherlock Holmes trong truyện.

Ngoại trừ Benjamin Wolfe bị phạt 8 năm tù do tuổi cao, ba người còn lại bị phạt 12 năm tù. Cảnh sát mới chỉ thu hồi được khoảng 200.000 bảng Anh từ số chiến lợi phẩm bị đánh cắp.

Xoay quanh vụ án vẫn còn nhiều thuyết âm mưu về danh tính chủ nhân và tài liệu đã bị trộm mất. Nhiều người nổi tiếng đã bị nghi ngờ tham gia vào đường dây tội phạm. Tuy nhiên, vụ án đã chính thức khép lại với danh tính của nhiều thành viên trong băng đảng còn bỏ ngỏ.

Vụ án, được truyền cảm hứng từ một tiểu thuyết, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim The Bank Job, ra mắt năm 2008.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.