Trộm 200 tác phẩm nghệ thuật trị giá 1 tỷ USD nhưng không vì tiền

GD&TĐ - Stéphane Breitwieser đã đánh cắp hơn 200 tác phẩm với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD, nhưng động cơ của việc làm đó lại không đến từ tiền.

Stéphane Breitwieser. Ảnh: AFP
Stéphane Breitwieser. Ảnh: AFP

Từ cảm giác kỳ lạ đến hành động ăn cắp

Stéphane Breitwieser gọi cảm giác này là “nổ tung trong lồng ngực”. Khi đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, cảm giác phấn chấn ngập tràn cơ thể của Stéphane Breitwieser và chẳng bao lâu sau đó hắn sẽ bắt tay vào vặn những chiếc vít hoặc con dấu trên những bức tranh.

Ngay khi đánh cắp thành công, Breitwiese cất giấu các món đồ ở bên trong áo khoác, quần dài hoặc túi xách của bạn gái rồi di chuyển chúng đến tầng gác mái trong căn nhà ở Mulhouse, miền đông nước Pháp.

Trong giai đoạn từ năm 1994 đến 2001, với sự hỗ trợ của bạn gái Anne-Catherine Kleinklaus, Breitwiese đã đánh cắp hơn 200 món đồ từ các bảo tàng ở bảy quốc gia.

Bên cạnh sở thích đặc biệt với nghệ thuật của hoạ sĩ Flemish ở cuối thời kỳ Phục hưng, tên trộm còn sở hữu các tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi, thảm trang trí, đồ thờ, nhạc cụ, hộp thuốc lá và vũ khí.

Theo định giá của nhiều chuyên gia, bộ sưu tập có giá trị giao động từ 1 tỷ đến 2 tỷ đô la.

Michael Finkel đã kể lại trong cuốn “Kẻ trộm nghệ thuật” rằng Breitwieser là một tên tội phạm phi thường. Không chỉ bởi trung bình 12 ngày hắn thực hiện một vụ trộm, mà còn bởi các vụ trộm ấy không diễn ra vào ban đêm, không được chuẩn bị kế hoạch phức tạp từ trước.

Triết lý của tên trộm này chỉ là: “Đừng phức tạp hóa mọi thứ.”

Đầu tiên, tên trộm sẽ bước vào một viện bảo tàng hoặc nhà đấu giá để tìm ra những điểm yếu về an ninh và nắm lấy các sơ hở.

Tiếp đó, hắn tìm cách cắt lớp keo silicon giữ các hộp trưng bày với nhau một cách khéo léo và luồn bức tranh ra khỏi khung.

Quan trọng hơn hết Breitwieser phải giả bộ hành xử như người bình thường khi thực hiện hành động. Nếu nán lại quá lâu tại một địa điểm cụ thể, hoặc chạy ra khỏi viện bảo tàng hắn chắc chắn sẽ bị nghi ngờ.

Đôi khi Breitwieser và bạn gái Kleinklaus sẽ tham gia một chuyến tham quan với hướng dẫn viên hoặc ở lại ăn trưa sau khi lấy cắp tác phẩm. Lợi dụng suy nghĩ của mọi người rằng tên trộm sẽ không bao giờ cố tình ở lại bên trong bảo tàng với chiến lợi phẩm bị đánh cắp, cặp đôi đã thành công tạo ra lớp vỏ bọc hoàn hảo cho mình.

Sự thật đằng sau hành động kỳ lạ

Ít ai biết rằng, động cơ của Breitwieser đi ngược lại với số đông. Hầu hết những tên trộm lấy các tác phẩm nghệ thuật để tống tiền bảo tàng, các công ty bảo hiểm hay bán chúng cho những kẻ buôn. Nhưng Breitwieser tuyên bố chỉ lấy những món đồ mà hắn thích.

Trong lời kể của mình, hắn nói rằng đã trải qua hội chứng Stendhal (hội chứng bị sốc trước cái đẹp của nghệ thuật) và cho rằng viện bảo tàng là nơi tệ hại để thưởng thức một tác phẩm.

Hắn thích được chiêm ngưỡng chúng chiếc giường bốn cọc phủ nhung nằm trên gác mái trong căn nhà của mẹ hơn.

Sau cùng, Breitwieser bị bắt quả tang khi đang ăn cắp một bức tranh và một chiếc kèn mạ vàng. Năm 2002, hắn thú nhận đã lấy nhiều đồ vật, nhiều trong số đó đã bị mẹ ném xuống kênh hoặc đốt.

Breitwieser bị phạt và bị kết án bốn năm tù, người mẹ thì ngồi sau song sắt vài tháng còn bạn gái Kleinklaus thì chỉ bị giam một đêm duy nhất.

Theo đó, Breitwieser sẽ phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy các tác phẩm nghệ thuật vô giá một cách không cần thiết.

Theo The Economist

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ