'Trời Thu xanh ngát sáng Tuyên ngôn'

GD&TĐ - Vào ngày 2/9/1945, Bác đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” thì cũng đúng ngày 2/9/1969 cách đây 55 năm, Bác Hồ kính yêu từ biệt chúng ta...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu.

Nhà thơ Tố Hữu, người rất thành công khi viết về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, trong bài thơ “Theo chân Bác” đã có một câu thơ giàu hình tượng khái quát có sức gợi mở lan tỏa: “Trời Thu xanh ngát sáng Tuyên ngôn”. Câu thơ viết về hình ảnh Bác Hồ đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” trong ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình cách đây 79 năm.

Có lẽ, trong bốn mùa thì mùa Thu Hà Nội là đẹp nhất. Thu Hà Nội còn là “mùa Thu cách mạng”, mùa Thu khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vòm trời mùa Thu cao rộng với một màu xanh ngát, xanh trong lòng người, xanh trong không gian bát ngát - một màu xanh chan chứa bao nỗi niềm chia sẻ; một màu xanh của hy vọng, của một sức sống mới, một đời sống mới hân hoan.

Và trong tôi bỗng ngân vang giai điệu thiết tha trong bài hát “Ba Đình nắng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ phổ thơ Vũ Hoàng Địch. Ở đây, trong ánh nắng Thu vàng ngọt là sắc màu cờ đỏ sao vàng lồng lộng bỗng trở nên thiêng liêng với bao hào khí, bao hân hoan reo vang từ những dòng người đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử để chào đón niềm vui bất tận. Đó là khi: “Gió vút lên/Ngọn cờ trên kỳ đài – Gió vút lên/đây bao nguồn sống mới dạt dào – Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi của mùa Thu cách mạng, mùa vàng sao” (Ba Đình nắng).

Hình ảnh Bác Hồ hiện lên thật giản dị, vô cùng thân thiết gần gũi với mọi người như một vị cha già dân tộc được nhạc sĩ vẽ nên thật đẹp trong giai điệu thành kính tha thiết mà thiêng liêng biết bao: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” – Ôi thân thiết lời cha già dân tộc – Bộ kaki đã bạc với gió sương”. Và hôm nay Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Sau này, Bác Hồ đã đúc kết thành một chân lý thời đại, truyền bao cảm hứng cho dân tộc: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đứng trên kỳ đài Bác vẫn mặc bộ quần áo giản dị với một câu hỏi không có trong “Tuyên ngôn độc lập” nhưng đã rút ngắn lại khoảng cách giữa lãnh tụ với toàn dân: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

Ôi hai tiếng “đồng bào” sao mà thân thiết chứa chan tình cảm. Một dân tộc được sinh ra chung bọc trứng của mẹ Âu Cơ, cùng chung nguồn cội con Lạc cháu Hồng, cùng chung ý chí chảy trong huyết quản, đó là lòng yêu nước nồng nàn.

Có thể nói, chỉ một hình ảnh nhưng nhà thơ Tố Hữu đã bức xạ hào quang làm sống lại những giá trị to lớn có sức sống bền bỉ và lan tỏa của một áng văn hùng hồn có sức thuyết phục lớn lao cả về mặt pháp lý và đạo lý.

“Tuyên ngôn sáng” trong nắng Thu vàng mà mỗi dòng chữ hun đúc bao suy nghĩ sâu sắc của Bác, mỗi hàng chữ được đổi bằng bao mồ hôi xương máu, bao sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ. “Tuyên ngôn sáng” bởi vẻ đẹp nhân văn chính nghĩa. “Tuyên ngôn sáng” chiếu rọi đến mỗi bờ tre ruộng lúa chín vàng trải rộng từ châu thổ sông Hồng đến Cửu Long giang bát ngát.

“Sáng Tuyên ngôn” từ mỗi ngôi nhà, mỗi số phận con người gắn bó với cộng đồng dân tộc. Một dân tộc đã từng đứng lên đánh giặc ngoại xâm với hai bản tuyên ngôn bất hủ là bài thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Một dân tộc mà: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt – Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” trong bài thơ thật hào sảng “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” của nhà thơ Chế Lan Viên.

“Sáng Tuyên ngôn” bởi chính luận của áng văn đầy cảm xúc từ ý chí sắt đá được Bác viết giản dị với hàm lượng tri thức, trí tuệ văn hóa cao có sức thuyết phục, lay thức lớn. “Sáng Tuyên ngôn” bởi ngôn ngữ của “Tuyên ngôn độc lập” là ngôn ngữ văn kiện chính trị hướng đến công chúng với đối tượng là quốc dân và thế giới trong một cảm hứng hào sảng cao độ, cảm xúc dâng trào ngọn bút qua hai từ độc lập và tự do. Lối văn của Bác kết tinh một thứ tiếng Việt tạo sự hài hòa truyền cảm lớn.

“Tuyên ngôn sáng” bởi đây là bản tuyên ngôn về giá trị con người mang đầy đủ hào khí Việt của con người Việt từ nội lực giống nòi, từ hồn thiêng sông núi, từ khí phách dân tộc.

79 năm đã trôi qua mà âm hưởng của ngày trọng đại lịch sử vẫn còn vang vọng mãi. Từ một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đối phó với bao “thù trong giặc ngoài”, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã vượt qua bao thác ghềnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ.

Vào ngày 2/9/1945, Bác đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” thì cũng đúng ngày 2/9/1969 cách đây 55 năm, Bác Hồ kính yêu từ biệt chúng ta nhẹ nhàng thanh thản đi vào “thế giới người hiền”. Bác ra đi và để lại bản Di chúc lịch sử. Đây cũng là một văn bản rất xúc động với bao trí tuệ và tình cảm của Bác, là một văn kiện lịch sử vô giá của nhân dân Việt Nam.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc đã định hướng cơ bản quan trọng đối với công cuộc Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày hôm nay và mai sau. Giá trị trường tồn của “Tuyên ngôn độc lập” và bản Di chúc vẫn còn mãi mãi. Một con người, hai thời điểm khoảnh khắc lịch sử đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta hai văn kiện đặc biệt quan trọng.

Dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Bác trong nắng xanh Quảng trường Ba Đình, trong sắc đỏ màu cờ và ánh sao vàng năm cánh vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây”…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ