“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”: Nguồn tư liệu quý giá

GD&TĐ - Nhân kỉ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, NXB Kim Đồng ra mắt bạn đọc cả nước cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn.

Ảnh sách Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập.
Ảnh sách Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập.

Cuốn sách dựng lại thời điểm lịch sử ngắn nhưng rất quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để có thể có được những tư liệu chi tiết, cụ thể, xác tín về bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Đó là tư liệu của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại hay kể lại như hồi kí Vũ Đình Hòe, hồi kí Trần Huy Liệu, hồi kí Võ Nguyên Giáp, hồi kí Lê Thanh Nghị…

Với “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, tác giả đã đặt văn bản Tuyên ngôn Độc lập vào trong tư duy nhất quán của Bác Hồ trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước. Đó là quá trình thống nhất và bền bỉ từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam (1919) gồm 8 điểm và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).

Tiến sĩ Tonnesson, nhà sử học Na Uy, khi nghiên cứu về lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Tuyên ngôn Độc lập ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 của Việt Nam nằm trong nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn, ra đời sau Chiến tranh Thế giới thứ hai: Đó là quá trình giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn cầu".

Cũng qua các tài liệu mà tác giả tìm thấy, chúng ta được biết, Bác Hồ đã tìm đọc nguyên bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ khi còn ở chiến khu Việt Bắc. Sau khi soạn thảo Người cho đọc và tham khảo ý kiến của các thành viên Chính phủ lâm thời là những trí thức uy tín trước khi hoàn thiện. Đó là minh chứng rõ ràng cho tác phong làm việc khoa học của Người, cũng như thái độ cầu thị, trọng thị trí thức của Người.

“Qua hồi tưởng của Tổng Bí thư Trường Chinh và hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Khi bản Tuyên ngôn lịch sử được thảo xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đọc để thông qua tập thể và đó là những giờ phút nhiều cảm xúc nhất của Người".

“Tuyên ngôn Độc lập từ sản phẩm trí tuệ của một cá nhân đứng đầu Chính phủ đã trở thành tiếng nói đại diện cho toàn thể đất nước Việt Nam tuyên bố với toàn thể thế giới về nền Độc lập bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam".

Đọc “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, bạn đọc ngày nay có được một bức tranh sống động và cụ thể về Ngày Quốc khánh 2/9 tại Quảng trường Ba Đình 76 năm về trước. Tuyên ngôn Độc lập sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc gia đồng bào đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp… để công bố với toàn thế giới về việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Giáo sư sử học Furuta Motoo, Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản đánh giá: “Theo tôi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người mang tính thời đại rất lớn, chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng dân tộc Việt Nam.” 

“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” là cuốn sách ý nghĩa góp phần tìm hiểu văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Nhà xuất bản Kim Đồng tin rằng: Cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo giá trị dành cho thầy cô giáo cũng như các em học sinh đáp ứng nhu cầu dạy và học trong Nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.