'Trợ thủ đắc lực' cho các trường học

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp các trường học tại Hà Tĩnh nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dạy và học.

Trường học Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.
Trường học Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Giảm áp lực cho thầy, tạo hứng khởi cho trò

Theo cô Tống Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh), CNTT đã được nhà trường áp dụng trong nhiều năm qua và thường xuyên đổi mới theo từng năm học. Năm học 2022-2023, nhà trường vừa thay thế phần mềm quản lý giáo án cũ bằng phần mềm Trello. Phần mềm này ngoài theo dõi, kiểm tra giáo án, kế hoạch của giáo viên, ban giám hiệu (BGH) còn dễ dàng đánh giá và điều chỉnh ngay trên hệ thống.

Một tiết học Toán của cô trò lớp 5G, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh).

Một tiết học Toán của cô trò lớp 5G, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh).

Để tạo điều kiện cho công tác “số hóa”, cở sở vật chất của nhà trường đã được trang bị đồng bộ với hệ thống tivi, máy chiếu, mạng Internet… đến tất cả lớp học.

“Các cơ sở dữ liệu của nhà trường từ học bạ, sổ liên lạc, quản lý giáo án… đều được số hóa từ nhiều năm nay. Điều này rất tiện ích không chỉ cho phía cán bộ giáo viên mà cả phụ huynh và học sinh”, cô Bình cho hay.

Nắm bắt được những lợi ích lớn từ ứng dụng CNTT mang lại, nhiều giáo viên của trường chủ động sử dụng “trợ thủ đắc lực” này vào việc thiết kế các hoạt động giáo dục, xây dựng lớp học thông minh qua dữ liệu ngành… Nổi bật trong đó có cô giáo Đinh Thu Hiền, GV chủ nhiệm lớp 5G.

Thông qua các phần mềm, giáo viên và học sinh dễ dàng tương tác trong quá trình dạy học.

Thông qua các phần mềm, giáo viên và học sinh dễ dàng tương tác trong quá trình dạy học.

Các tiết học của cô Hiền luôn đi kèm các hình ảnh minh họa sống động hay các đoạn clip ngắn, xây dựng bài giảng thành trò chơi qua màn hình thu hút học sinh khám phá tìm hiểu. Đối với việc đánh giá, nhận xét học sinh được cô Hiền thực hiện mỗi ngày thông qua phần mềm Canva. Qua phần mềm phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt được sức học của con mình trong năm học.

“Các phần mềm dạy học mà cô sử dụng đã giúp em dễ hiểu bài hơn. Chúng em rất háo hức, trông chờ mỗi khi đến trường vì sẽ được trải nghiệm nhiều kiến thức thú vị”, em Nguyễn Nhật Tân – HS lớp 5G, hào hứng.

Để có được tiết dạy kích thích sự hứng khởi ở các em, cô Hiền đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm và tham khảo các tài liệu dạy ứng dụng phần mềm tin học trên mạng Internet, tham gia khóa học do các chuyên gia tổ chức. “Quan trọng hơn hết, tôi thấy những tiết học ứng dụng công nghệ thông tin thực sự hiệu quả đối với học trò, cô Hiền cho hay.

Giáo viên miền núi bắt nhịp cùng công nghệ

Không riêng thành phố, nhiều trường học miền núi cũng bắt nhịp, đưa ứng dụng CNTT vào trong các hoạt động quản lý và dạy học.

Thông qua ứng dụng CNTT, công tác quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập tại Trường Tiểu học Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) thuận lợi hơn; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, GV có nhiều thời gian quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học...

Các phần mềm dạy học khiến học sinh thích thú khi được trải nghiệm.

Các phần mềm dạy học khiến học sinh thích thú khi được trải nghiệm.

“Tất cả phần mềm giáo dục như Smart, Google Drivert… nhà trường đang sử dụng rất hữu ích. GV không còn cảnh lỉnh kỉnh số sách, giấy tờ mỗi khi đến trường. BGH hay ngành kiểm tra cũng linh động hơn trong quản lý thông qua các phần mềm”, thầy Đặng Khánh Tùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trường THPT Cù Huy Cận (huyện Vũ Quang) cũng sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã được trang bị như: Thiết kế bài giảng điện tử E-Learning, Quản lý ngân hàng đề thi Intest để phục vụ dạy học. Nhập số liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý ngành; Xây dựng phần mềm Quản lý Giáo án điện tử của nhà trường. Duyệt giáo án của giáo viên hàng tuần qua GoogleDrive.

“Ứng dụng CNTT giúp nhà trường giảm các văn bản giấy; hồ sơ sổ sách tinh giản không còn cồng kềnh như trước đây. Cập nhật các số liệu thông tin nhanh hơn, công tác quản lý, xử lý và kiểm soát tình hình dạy học thuận tiện, bao quát, chính xác. Đặc biệt, trong đại dịch Covid 19, việc ứng dụng CNTT đã làm cho hoạt động dạy học tiến hành bình thường, chất lượng dạy học đảm bảo”, thầy Nguyễn Tiến Phong- Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Cù Huy Cận chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên giảm áp lực về sổ sách, giấy tờ khi đến trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên giảm áp lực về sổ sách, giấy tờ khi đến trường.

Tuy nhiên, việc GV ứng dụng CNTT vào dạy học tại miền núi đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Theo thầy Tùng, nhà trường mới có 6/10 lớp có ti vi, được ưu tiên cho các khối 1,2,3 triển khai Chương trình GDPT mới. Các khối 4,5 vẫn học theo phương thức truyền thống. Ngoài ra, hầu hết GV vẫn phải tự mày mò làm quen với các ứng dụng CNTT do ít được tập huấn.

“Do sử dụng cùng lúc nhiều phần mềm trong nhà trường dẫn đến việc ứng dụng chưa nhuần nhuyễn. Chúng tôi mong Bộ GD-ĐT có một phần mềm chuẩn trong quản lý giáo án, sổ điểm, lịch báo giảng để ứng dụng riêng cho ngành Giáo dục" thầy Phong bày tỏ.

Thiếu cơ sở vật chất nên nhiều trường học miền núi vẫn gặp khó để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Thiếu cơ sở vật chất nên nhiều trường học miền núi vẫn gặp khó để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Còn tại Trường THPT Hàm Nghi (huyện Hương Khê), nhà trường mới có 6/25 lớp được trang bị tivi và 6 tivi ở phòng chức năng, GV phải đăng ký mỗi khi sử dụng.

“Hiệu quả của CNTT trong giảng dạy là điều ai cũng thấy nhưng do đặc thù miền núi nên cơ sở vật chất chưa thể đồng bộ hóa để bắt nhịp. Những bài giảng yêu cầu học sinh có điện thoại thông minh nhưng không phải em nào cũng có điều kiện để mua sắm…”, thầy Nguyễn Tiến Công, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Nghi nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ