Trở lại đường đua

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo dữ liệu Cục Du lịch quốc gia công bố mới đây, tổng số khách du lịch quốc tế năm nay ước đạt 12,5 triệu lượt.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Như vậy vượt xa con số đề ra đầu năm 8 triệu và đạt mục tiêu điều chỉnh hồi tháng 10 là 12,5 - 13 triệu lượt.

Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch đặt ra đầu năm. Tổng thu du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch và bằng 93% so với năm 2019 - năm mà du lịch Việt Nam đã đạt “đỉnh”. Như vậy, ngành du lịch đã chính thức trở lại đường đua sau mấy năm bị dịch Covid-19 phải đóng cửa.

Tại Lễ trao giải thưởng Du lịch Thế giới 2023, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu”. Nhiều thành phố, doanh nghiệp Việt nhận giải thưởng ở nhiều hạng mục danh giá. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hình ảnh du lịch Việt Nam đã được nâng cao, định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới trong năm 2023. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể.

Xin được dẫn ra một vài con số sau đây. Năm 2019 - năm được xem như “đỉnh” của du lịch Việt Nam, chúng ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 726.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP. Trong đó, tổng thu từ khách quốc tế đạt 421.000 tỷ đồng, chiếm 55,7% trong tổng thu của toàn ngành du lịch.

Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê trên đây thì Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra và được quốc tế ghi nhận bằng những giải thưởng nhưng theo các chuyên gia, cần phải có những thống kê “thực tế” hơn từ các cơ sở trực tiếp đón khách chứ không chỉ dựa vào những báo cáo “ước chừng”.

Chẳng hạn như lượng khách du lịch nội địa lên tới 108 triệu lượt, vượt năm 2019 là 23 triệu lượt nhưng đa số là đi nhỏ lẻ, đi về trong ngày chứ không đi tour khiến nhiều hãng lữ hành giảm đến 50% khách. Đi nhanh về sớm nên các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ cũng theo đó mà… ế ẩm.

Ở miền Trung, hai thành phố du lịch nổi tiếng là Nha Trang và Đà Nẵng, nhìn các tòa cao ốc vào ban đêm, thấy đèn sáng lẻ tẻ là đủ biết “sức khỏe” của những khách sạn ấy ra sao rồi. Vào những tháng Đông giá này, những năm trước đây, mỗi ngày Nha Trang đón cả ngàn lượt khách Nga qua trốn rét nhưng năm nay quá buồn tẻ.

Tương tự, ở Đà Nẵng, khách đến từ Trung Quốc là chủ yếu nhưng kể từ sau khi dịch Covid-19 “cấm cửa”, thành phố giờ chỉ đón từ Hàn Quốc và Nhật Bản, một số đến từ Ấn Độ và Malaysia nhưng rất ít.

Theo Bộ Tài chính, tổng đóng góp của du lịch vào GDP Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp, gián tiếp và đầu tư công là 584.884 tỷ đồng (tương đương 13,9% GDP). Trong đó, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP là 279.287 tỷ, tương đương 6,6% GDP. Đây quả là những đóng góp không nhỏ của ngành “công nghiệp không khói” vào ngân sách quốc gia.

Ngành công nghiệp không khí ấy đã chính thức trở lại đường đua. Vấn đề là cần có những chính sách thông thoáng trong việc cấp thị thực cho khách nước ngoài cũng như bản thân ngành du lịch và các địa phương cần có những sản phẩm du lịch hấp dẫn để kéo du khách về với mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.