Đó là chia sẻ TS Ngô Thị Thu Dung – Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục cộng đồng (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trò chơi có nhiều chức năng xã hội khác nhau
Trò chơi có những thuận lợi như: Phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn và gây hứng thú cho học sinh; giúp cho học sinh dễ tiếp thu kiến thức mới; giúp chuyển tải nhiều tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau; tạo được bầu không khí thân thiện; tạo cho học sinh tác phong nhanh nhẹn,…
TS Dung trao đổi: Trò chơi là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn; là món ăn tinh thần nhiều bổ ích và không thể thiếu được trong cuộc sống con người nói chung và đặc biệt, đối với thanh thiếu niên học sinh nói riêng, những trò chơi phù hợp nhiều khi có tác dụng giáo dục rất tích cực.
Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động vui chơi với nội dung kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có tác dụng giáo dục “chơi mà học, học mà chơi”.
Cũng theo TS Dung, trò chơi có nhiều chức năng xã hội khác nhau như chức năng giáo dục, chức năng văn hóa, chức năng giải trí, chức năng giao tiếp…
TS Dung phân tích, với chức năng giáo dục: Trò chơi là phương tiện giáo dục hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của học sinh, tác động toàn diện đến tất cả các mặt khác nhau của nhân cách: Về vật chất, tâm lý, đạo đức và xã hội.
Trò chơi giúp các em nâng cao thể lực, ràn luyện sự nhanh nhẹn, dẻo dai và bền bỉ của cơ bắp, thần kinh, phát triển tốt các chức năng của các giác quan (thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác,…), các chức năng vận động, phát triển tốt các phẩm chất và năng lực tư duy sáng tạo, linh hoạt.
Trò chơi còn phát triển tốt các phẩm chất nhân cách cho học sinh như tính tập thể, tính hợp tác, tính kỷ luật, tính sáng tạo, tính tự chủ, tính tích cực, sự nỗ lực ý chí, lòng dũng cảm, tính linh hoạt, tính tự tin, sự thân thiện, lòng bao dung, những tính cảm đạo đức, tình cảm thẩm mỹ lành mạnh…
Trò chơi là một phương tiện để giúp học sinh nâng cao hiểu biết về tự nhiên, xã hội, về khoa học – kỹ thuật, văn hóa văn nghệ, phát triển tốt các năng lực tư duy, trí nhớ, ngôn ngữ, tưởng tượng (đặc biệt là các trò chơi trí tuệ và trò chơi sáng tạo).
Chơi cũng đòi hỏi học sinh tư duy, ứng dụng tri thức vào hành động phát triển năng lực thực hành. Chơi cũng là một con đường học tập tích cực.
Với chức năng giao tiếp, trò chơi là một hình thức giao tiếp. Trò chơi tạo cơ hội để học sinh tham gia vào các mối quan hệ giao tiếp bạn bè, phát triển tốt các năng lực giao tiếp, trò chơi đồng thời là một phương tiện (một con đường) mà thông qua đó, học sinh có thể giao tiếp được với nhau một cách tự nhiên và dễ dàng.
Với chức năng văn hóa: Trò chơi là một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh của con người, thể hiện những đặc điểm văn hóa có tính bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng. Mỗi trò chơi là một giá trị văn hóa dân tộc độc đáo.
Tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi là một phương pháp tái tạo văn hóa, bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa rất có hiệu quả (đặc biệt là các trò chơi dân gian, trò chơi lễ hội).
Với chức năng giải trí: Trò chơi là một phương thức giải trí tích cực và hiệu quả, giúp học sinh tái tạo năng lực thần kinh và cơ bắp sau những thời gian học tập, lao động căng thẳng.
Trò chơi giúp học sinh thư giãn, thay đổi tâm trạng, giải tỏa những buồn phiền, những mệt mỏi về trí tuệ và cơ bắp, tạo niềm vui, hứng khởi, sự hồn nhiên, yêu đời… để học sinh tiếp tục học tập và rèn luyện tốt hơn.
Những trò chơi vui nhộn và hào hứng không chỉ thỏa mãn nhu cầu của các em mà nó còn mang lại những giá trị tinh thần hết sức to lớn, hữu ích.
Mục đích của trò chơi nhằm lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục một cách tự nhiên và tăng cường tính trách nhiệm; hình thành cho học sinh tác phong nhanh nhẹn, phát huy tính sáng tạo cũng như tăng cường sự thân thiện, hòa đồng giữa các học sinh, tạo hứng thú, xua tan căng thẳng, mệt mỏi cho các em học sinh trong quá trình học tập và giúp cho quá trình học tập được tiến hành một cách nhẹ nhàng, sinh động, không khô khan nhàm chán.
Đa dạng hình thức tổ chức trò chơi
Theo TS Dung, một số trò chơi có thể tổ chức trong nhà trường phổ thông là:
- Trò chơi học tập: Là loại trò chơi được sử dụng để củng cố, mở rộng, kiểm tra kiến thức học trên lớp.
- Trò chơi vận động: Là loại trò chơi để rèn luyện, củng cố các tố chất cơ thể.
- Trò chơi khởi động là loại trò chơi dùng để tạo bầu khong khí sôi động, vui vẻ, tạo tâm trạng vui vẻ, tạo tâm thế cho học sinh trước khi bắt đầu hoạt động học tập, sinh hoạt tập thể hoặc bắt đầu tổ chức.
- Trò chơi mô phỏng. Theo Từ điển bách khoa toàn thư “The New Encyclopedia Britanica” (1994), mô phỏng được hiểu là sự bắt chước, phỏng theo một hiện tượng, sự vật hay quá trình nào đó bằng cách xây dựng những mô hình động, xử lý chúng trong tác động qua lại nhằm nghiên cứu các hiện tượng, sự vật, quá trình đó trên những mô hình này. Mô phỏng được sử dụng khá nhiều trong giáo dục và học tập.
Mục đích của các mô phỏng này là để học sinh có suy nghĩ, cảm xúc, hành động trong môi trường giả định, giống như thật, qua đó các em rút ra được những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng xử cần thiết.
Mô phỏng game truyền hình là những trò chơi được thiết kế mô phỏng như các gameshow truyền hình như: Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Rung chuông vàng,… Qua các trò chơi này, các em được tham gia, tương tác, và được củng cố kiến thức, kỹ năng đã học trên lớp.
Với các trò chơi mô phỏng game truyền hình nội dung rất phong phú đa dạng, vừa có thể thực hiện việc củng cố, khám phá kiến thức của tất cả các môn học vừa có thể triển khai các nội dung giáo dục như giáo dục quyền trẻ em, giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng tránh HIV, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội hay giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai…
Các quy tắc tổ chức trò chơi
Bước 1: Căn cứ mục tiêu giáo dục, lựa chọn nội dung mà học sinh cần lĩnh hội, từ đó lựa chọn hình thức chơi phù hợp để truyền đạt nội dung.
Bước 2: Thiết kế trò chơi, quy tắc chơi, lựa chọn phương tiện và địa điểm chơi.
Bước 3: Xác định đối tượng chơi, quy mô trò chơi: Xác định số lượng học sinh tham gia, có thể nhóm nhỏ (từ 2 đến 4 hoặc 5 học sinh) hoặc nhóm lớn (từ 10 đến 15 học sinh); Có thể là một lớp hoặc khối lớp, toàn trường.
Bước 4: Tổ chức chơi theo kế hoạch. Chú ý đảm bảo nguyên tắc an toàn, giáo dục, vui.
Bước 5: Tổng kết hoạt động, nhận xét đánh giá học sinh trong quá trình hoạt động.
Như vậy, tổ chức trò chơi cho học sinh trong nhà trường phổ thông là một hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo có tính phổ biến và có ý nghĩa giáo dục tích cực.