“Hàn thử biểu” của chất lượng đào tạo
Không phải ngẫu nhiên mà kể từ năm 2018, Bộ GĐ&ĐT yêu cầu trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH phải công bố tỉ lệ SV có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Ngoài thể hiện chất lượng đào tạo của trường thì công khai tỉ lệ SV có việc làm cũng thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội và là một thông số để HS phổ thông và phụ huynh tham khảo trong lựa chọn ngành nghề. Hơn cả, tỉ lệ SV có việc làm sau khi ra trường còn giúp HS, SV thấy được sức cạnh tranh của cơ sở giáo dục ĐH trên thị trường lao động. Chính vì vậy, công thức “chất lượng đầu ra quyết định số lượng đầu vào” được nhiều trường áp dụng để thu hút tuyển sinh.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ngoài việc học sinh phổ thông tham khảo để lựa chọn ngành nghề thì tỉ lệ SV có việc làm cũng là một căn cứ để các trường điều chỉnh quy mô tuyển sinh, chương trình đào tạo… Trên cơ sở phân tích tình hình việc làm của SV tốt nghiệp năm 2015, 2016 cũng như tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, nhà trường đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh 2018 và chủ trương đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến và capstone trong toàn trường: Thực hiện thực tập tốt nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp; chú trọng cải tiến chương trình đào tạo (CTĐT) theo hướng chú trọng thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Các CTĐT chất lượng cao của trường được thiết kế lại dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO, định hướng theo tiêu chuẩn kiểm định ABET, có tham khảo các CTĐT của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong học kỳ đầu tiên SV chủ yếu tập trung học ngoại ngữ, bảo đảm đạt yêu cầu chuẩn đầu ra theo quy định để đáp ứng yêu cầu của chương trình học theo hướng Dạy học theo dự án”.
Dương Tiến Đạt – HS lớp 12/12 Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) chỉ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM. “Với bản thân em thì cơ hội đỗ ĐH cũng không là gì nếu không đúng ngành nghề mình am hiểu và yêu thích nên vấn đề là phải trúng ngành, trúng trường và nhất là đầu ra của ngành học” – Đạt tâm sự. Xu hướng chọn nghề, chọn trường của thí sinh những năm gần đây cho thấy, có một lượng không nhỏ thí sinh có kết quả điểm thi trên điểm sàn của các trường ĐH nhưng vẫn quyết định lựa chọn học nghề. Điều này thể hiện thí sinh đã không chỉ đơn thuần chọn một trường cho có, mà còn cân nhắc về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm…
“Nâng” đầu vào, “siết” đầu ra
Với số lượng CTĐT được kiểm định ngày càng nhiều, đòi hòi của xã hội về chất lượng nguồn nhân lực cao là áp lực buộc các trường ĐH lựa chọn đầu vào, đào tạo SV đáp ứng chuẩn đầu ra để có thể nâng tỉ lệ SV có việc làm và làm việc đúng ngành nghề được đào tạo.
Thực tế tuyển sinh cho thấy, có không ít ngành từng là thế mạnh đào tạo của nhiều trường ĐH đang gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Hạ ngưỡng đầu vào hay không là bài toán mà các trường buộc phải cân nhắc. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Không có ngành nào là “hot” mãi mà đến một giai đoạn nào đấy sẽ bão hòa khi thị trường lao động đã được cung ứng đủ nhân lực. Đối với những ngành khó tuyển sinh, có thể hạ chỉ tiêu tuyển sinh nhưng nhất định phải bảo đảm được chất lượng ngưỡng đầu vào. Hạ điểm đầu vào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra và cũng là chất lượng của nguồn nhân lực lao động”. PGS.TS Nguyễn Hồng Hải ví dụ: “Ngành Xây dựng công trình thủy, ngành Kỹ thuật công trình giao thông và ngành Môi trường của nhà trường vài năm trở lại đây số lượng tuyển sinh không nhiều như các ngành khác. Trong khi hàng năm nhà trường cung cấp không đủ số lượng SV tốt nghiệp các ngành này cho các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Chính vì vậy, trong tư vấn tuyển sinh, nhà trường cộng chính xác tỉ lệ SV tốt nghiệp ra trường có việc làm của những ngành này để người học có thêm sự lựa chọn”.
Đầu tư cho CTĐT các ngành sức khỏe, Trường ĐH Đông Á hướng đến mục tiêu đưa SV vào làm việc tại các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Đức. Để đáp ứng được yêu cầu ngặt nghèo của các thị trường này đối với ngành điều dưỡng, nhà trường đã cải thiện đồng bộ cả đầu vào lẫn quá trình đào tạo để bảo đảm đầu ra đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ông Hiroaki Tanaka, Giám đốc Sở Y tế và Phúc lợi xã hội Yokohama (Nhật Bản) cho biết, sau khi khảo sát CTĐT ngành điều dưỡng tại các trường ĐH ở TPHCM, Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, chính quyền TP này đã ký hợp tác chiến lược với ĐH Đông Á. Theo đó, thời lượng thực hành tại các bệnh viện của SV ngành Điều dưỡng Đại học Đông Á vượt trội hẳn so với chương trình ngành này ngay tại Nhật Bản. Việc thực hành nhiều tại bệnh viện cũng giúp các bạn sinh viên quen với công việc và dễ dàng tiếp cận công việc tại Nhật trong thời gian tới”.
Trong điều kiện số liệu SV có việc làm là chỉ số thể hiện sức cạnh tranh của cơ sở giáo dục đại học trên thị trường lao động thì việc chọn lọc đầu vào và siết đầu ra ở các trường ĐH để đảm bảo chất lượng đào tạo là câu chuyện không còn quá mới mẻ nữa.