Triều Tiên yêu cầu Mỹ loại bỏ mối đe dọa hạt nhân

GD&TĐ - Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố: Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân, cho đến khi Mỹ loại bỏ “mối đe dọa hạt nhân” của mình. Bài bình luận của KCNA viết: “Định nghĩa đúng đắn về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là phải loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên, trước khi loại bỏ khả năng hạt nhân của chúng tôi”.

Triều Tiên nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Mỹ đơn phương phi hạt nhân hóa
Triều Tiên nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Mỹ đơn phương phi hạt nhân hóa

“Ảo vọng” của ông Trump

MỹTriều Tiên đang bế tắc trong các cuộc đàm phán về việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Ngày 12/6/2018 tại Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một cam kết không ràng buộc về “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, trong sáu tháng kể từ đó, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ, hai nước liên tục chỉ trích lẫn nhau, mặc dù Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục dành nhiều lời khen ngợi cho ông Trump.

Bài bình luận được công bố mới đây của KCNA cho thấy trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán có thể là các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, cũng như việc Mỹ, bảo vệ Hàn Quốc dưới “chiếc ô hạt nhân” của mình.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Nước Mỹ vẫn đang nỗ lực thực thi cam kết phi hạt nhân hóa của Chủ tịch Kim”, đồng thời khẳng định chắc chắn rằng, Mỹ đang trong mối quan hệ tốt hơn với Bình Nhưỡng so với một năm trước. Ông Pompeo phát biểu trong một bài phỏng vấn với đài KNSS của bang Kansas: “Không còn nghi ngờ gì nữa”, không còn tên lửa nào đang được thử nghiệm, cũng không còn thử nghiệm hạt nhân nữa. Chúng ta đang ở một hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều”.

Ông Pompeo lưu ý rằng, ông đã tới Triều Tiên nhiều lần và sẽ tiếp tục có các cuộc họp với các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng. Ông bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng rằng, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ gặp nhau không lâu khi bước vào năm mới, và đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa”.

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay khu vực?

Khi được hỏi về sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên bán đảo Tiều Tiên, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi không thảo luận về vị trí của vũ khí hạt nhân; tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, Tổng thống George H.W Bush đã tuyên bố rút toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật trên biển và trên bộ được triển khai ở nước ngoài”.

KCNA bình luận: “Khi nói về bán đảo Triều Tiên, nó không chỉ bao gồm lãnh thổ của nước cộng hòa của chúng tôi (Triều Tiên), mà cả Hàn Quốc, điểm xuất phát của vũ khí hạt nhân và các lực lượng vũ trang của Mỹ cho cuộc xâm lược. Khi nói về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, (Mỹ) cần phải hiểu rằng điều đó có nghĩa là loại bỏ tất cả các yếu tố đe dọa hạt nhân”.

Tuyên bố cũng nói rằng việc đẩy mạnh phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên bao gồm việc loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân khỏi “không chỉ miền Bắc và miền Nam, mà từ tất cả các khu vực lân cận”.

Triều Tiên đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Mỹ về việc đơn phương phi hạt nhân hóa, cho rằng

Washington đã đưa ra những yêu cầu này một cách “ảo tưởng”.

Bài bình luận nói rằng, nếu Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì thay vì việc phi hạt nhân hóa, điều này sẽ biến Triều Tiên thành một “quốc gia không phòng thủ”, “sự cân bằng trong sức mạnh chiến lược hạt nhân bị phá hủy” và có nguy cơ “khủng hoảng chiến tranh hạt nhân”.

Dấu hỏi về hội nghị thượng đỉnh lần hai

KCNA kêu gọi Mỹ thực hiện các biện pháp mà Triều Tiên đã yêu cầu Washington, điều mà họ cho rằng không hề khó để “cam kết và thực hiện”. Những hành động này bao gồm chấm dứt “chính sách thù địch” của Mỹ đối với Triều Tiên và tạm dừng “các biện pháp trừng phạt bất công”.

“Rõ ràng là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một hành động chung, hành động này không thể đạt được trừ khi cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều nỗ lực hơn”, bài bình luận tuyên bố.

Tuy nhiên, cả ông Trump lẫn Ngoại trưởng Mike Pompeo đều từ chối lời kêu gọi từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên với mục đích đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với quốc gia bị cô lập này, cho đến khi phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên có sự tiến triển hơn. Mỹ cũng từ chối các đề xuất về giảm sự hiện diện quân sự trong khu vực như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào với Bình Nhưỡng. Mặc dù vậy, ông Trump đã tuyên bố vào tháng 6/2018 rằng, ông dự định tạm dừng các cuộc tập trận quân sự lớn được tiến hành cùng với Hàn Quốc trong khu vực.

Năm tới, có thể một hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa nhà lãnh đạo hai nước sẽ được tổ chức để làm rõ định nghĩa chính xác về phi hạt nhân hóa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cũng cho biết, Mỹ vẫn tự tin về việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa và rằng Mỹ mong muốn “các cam kết giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump trở thành hiện thực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.