Triều Tiên: Trường đại học kiểu phương Tây duy nhất gặp khó

GD&TĐ - Trường đại học kiểu phương Tây duy nhất tại Triều Tiên có thể buộc phải đóng cửa khi Mỹ cấm công dân đi lại Triều Tiên.

Sinh viên nhận bằng trong lễ tốt nghiệp tại ĐH Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng
Sinh viên nhận bằng trong lễ tốt nghiệp tại ĐH Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng

Nỗi lo thiếu giảng viên

Giữa căng thẳng gia tăng về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, Mỹ ban hành lệnh cấm toàn bộ những người có hộ chiếu Mỹ đến Triều Tiên bắt đầu từ 1/9, đồng thời khuyến cáo toàn bộ cư dân Mỹ rời khỏi Triều Tiên trước thời hạn trên.

Bất cứ quy định cấm đi lại nào cũng có thể đặt “dấu chấm hết” cho Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), đại học do tư nhân điều hành duy nhất tại Triều Tiên - theo Colin McCulloch, Giám đốc đối ngoại của trường.

McCulloch giải thích rằng đội ngũ giảng viên của trường phần lớn là học giả nước ngoài - những người có cả hộ chiếu Mỹ và Hàn Quốc, đối tượng bị cấm tới Triều Tiên theo sắc lệnh của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng trước. “Trong số khoảng 80 giảng viên tới trường của chúng tôi mỗi học kì, khoảng một nửa mang hộ chiếu Mỹ” - theo học giả người Anh, người đã dạy tài chính và quản lí quốc tế tại trường ĐH này trong 7 năm qua.

Đội ngũ lãnh đạo cấp cao của trường ĐH này thậm chí còn có tỉ lệ người mang hộ chiếu Mỹ - Hàn áp đảo, vì vậy còn bị ảnh hưởng nặng hơn. Lệnh cấm, chỉ cho phép ngoại lệ với nhà báo và nhân viên nhân đạo xét từng trường hợp cụ thể, sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng chương trình giảng dạy và hoạt động của trường” - McCulloch nhận xét.

PUST đang tìm kiếm giảng viên nước ngoài từ các quốc gia khác và sẽ trì hoãn khai giảng một số khóa học cho tới tháng 10 hoặc 11 để có đủ thời gian bổ sung giảng viên mới.

Tương lai khó khăn

Bên cạnh yếu tố căng thẳng Mỹ - Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier - người bị Triều Tiên tuyên án 15 năm lao động khổ sai năm ngoái cũng là một yếu tố gây căng thẳng quan hệ. Sinh viên Trường ĐH Virginia bị bắt giam với cáo buộc đánh cắp một bảng khẩu hiệu trong một khách sạn Bình Nhưỡng tháng 1/2016 trong chuyến du lịch 5 ngày tới thủ đô Triều Tiên. Sau 17 tháng trong tù, sinh viên 22 tuổi được trả về Mỹ hồi tháng 6 trong tình trạng hôn mê và tử vong vài ngày sau đó.

2 học giả người Mỹ gốc Hàn cũng đang làm việc tại PUST hiện cũng đang bị bắt giam là Kim Hak-song, dạy kĩ thuật nông nghiệp và Kim Sang-duk, dạy kế toán.

Tuy nhiên nói chung, PUST được cả Triều Tiên và các nước phương Tây đánh giá tích cực là một nguồn lực tốt, mang lại cơ hội hiếm hoi cho sinh viên tiếp cận giáo dục phương Tây.

Trường được thành lập năm 2010 bởi Kim Chin Kyung, giảng viên kinh tế Mỹ - Hàn đã dành cả cuộc đời cho hoà bình và hoà giải sau chiến tranh liên Triều những năm 1950. Giảng viên này đã có công đưa các học giả phương Tây tới Bình Nhưỡng, với 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel - 2 nhà hoá học Richard Roberst và Aaron Ciechanover và nhà kinh tế học Finn Kydland - thăm Bình Nhưỡng năm ngoái.

Hầu hết các học giả này làm việc tại PUST – trường được cấp ngân sách bởi cả Triều Tiên và Hàn Quốc – đều không nhận hoặc chỉ nhận một số tiền rất nhỏ từ các tổ chức viện trợ nước ngoài.

Được hỏi vì sao quốc gia cô lập với thế giới chấp nhận sự tồn tại của một trường ĐH nặng tư tưởng phương Tây như vậy, McCulloch nói rằng điều đó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Triều Tiên. “Có câu nói rằng, chống thật chắc bàn chân trên đất mẹ và nhìn ra thế giới” - McCulloch giải thích - “Nó có nghĩa là có thể tạo ra sự khác biệt tại đất nước mình bằng cách học hỏi từ quốc gia khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ