Triều Tiên thử tên lửa nhằm thăm dò đối thủ?

Vụ thử được cho là nhằm chứng tỏ khả năng của Triều Tiên có thể thực hiện tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ và đồng minh.

Người dân Hàn Quốc đang xem tivi đưa tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP).
Người dân Hàn Quốc đang xem tivi đưa tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP).

AP nhận định, cuộc phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm thứ Hai 29/5 có thể không liên quan gì đến việc chứng tỏ công nghệ vũ khí của họ. Đây dường như là một động thái nhằm chứng tỏ cho các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc thấy khả năng Triều Tiên có thể thực hiện một cuộc tấn công nếu nước này muốn.

Sáng sớm ngày 29/5, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo Scud từ một địa điểm gần thành phố duyên hải Wonsan và bay theo hướng đông. Theo các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa tầm ngắn Scud của Triều Tiên đã bay khoảng 450 km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này.

Mục tiêu của các vụ thử tên lửa liên tiếp?

Đây là cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên, và là vụ thử nghiệm thứ 9 trong năm nay. Nước này vẫn thường tuyên bố mục đích xây dựng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tiếp cận vào đất liền Hoa Kỳ. Động thái này khiến cho Triều Tiên bị liệt vào danh mục các mối quan ngại lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vụ thử tên lửa mới đặt ra khả năng Triều Tiên hy vọng sẽ sử dụng thử nghiệm này để cho thấy nước này có thể tiếp cận được các mục tiêu trên đất Mỹ trong tương lai gần và thách thức các chương trình của Mỹ nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong đó bao gồm cả những lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao tại Hàn Quốc (THAAD).

Theo một số nhà phân tích Hàn Quốc, tên lửa Scud có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Hàn Quốc, và hai tên lửa mới phát triển được thử nghiệm đầu tháng này thậm chí có khả năng vươn tới cả Nhật Bản và đảo Guam.

Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ

Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên đồng thời cam kết hành động cùng các quốc gia khác nhằm ngăn chặn những hành động tương tự tái diễn.

Trieu Tien thu ten lua nham tham do doi thu? - Anh 2

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước báo giới sáng 29/5 về vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP).

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, tên lửa Scud vừa được thử nghiệm của Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách bờ biển Nhật Bản 200 hải lý. Ông Yoshihide Suga cũng nói rằng không có báo cáo về thiệt hại cho máy bay hay tàu trong khu vực.

Sáng 29/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập Ủy ban thường vụ An ninh Quốc gia (NSC). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố, nêu rõ: Hành động của Triều Tiên đã vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và quốc tế; Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa sau khi Chính phủ mới của Hàn Quốc được thành lập là hành động chống lại những yêu cầu của Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, chối bỏ ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, được xác nhận trong Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 27/5. Hàn Quốc thúc giục Triều Tiên dừng đồng loạt các hành động khiêu khích và nhanh chóng phi hạt nhân hóa.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, vụ thử này là nỗ lực mới nhất từ phía Bình Nhưỡng nhằm tăng cường năng lực phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân và vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc. Đồng thời, vụ thử nhằm tăng sức ép buộc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ bỏ lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên của chính quyền tiền nhiệm.

Cũng trong ngày 29/5, đặc phái viên phụ trách vấn đề hạt nhân ba nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cam kết duy trì hợp tác chặt chẽ và có hành động cứng rắn đối với các hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.

Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump đã được thông báo về vụ phóng tên lửa. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết họ theo dõi sát sao vụ phóng tên lửa tầm ngắn trong 6 phút và đánh giá nó không gây ra mối đe dọa nào đối với nước Mỹ. Mỹ đang tiếp tục thảo luận với Trung Quốc về một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ.

Trieu Tien thu ten lua nham tham do doi thu? - Anh 3

Người dân Osaka, Nhạt Bản, xem tin truyền hình về vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP).

Nếu xảy ra, chiến tranh sẽ rất thảm khốc

Nhằm tăng cường năng lực đương đầu với tên lửa của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis dự kiến từ ngày 30/5 (theo giờ Mỹ) sẽ tiến hành diễn tập phòng thủ tên lửa với nội dung bắn hạ các tên lửa xuyên lục địa hướng tới lãnh thổ Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết Mỹ sẽ không vạch ra “giới hạn đỏ” với Triều Tiên trừ khi Washington thấy cần thiết phải làm vậy. Ông Mattis nói: “Chúng tôi đã nói rất rõ rằng, chúng tôi sẵn sang hợp tác với Trung Quốc và chúng tôi tin rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề này (Triều Tiên)”.

Trước đó, ngày 28/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis phát biểu trong một chương trình thời sự, đã cảnh báo rằng, nếu không thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên, “nếu tình hình này trở thành một cuộc chiến, đó sẽ là một cuộc chiến thảm khốc”./.

Theo VOV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.