Triều Tiên lần đầu hé lộ hình ảnh kho sản xuất uranium

GD&TĐ -Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có chuyến thị sát cơ sở sản xuất và lưu trữ uranium.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thị sát cơ sở sản xuất và lưu trữ uranium. Ảnh: KCNA
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thị sát cơ sở sản xuất và lưu trữ uranium. Ảnh: KCNA

Trong một bài đăng vào ngày 13/9, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho hay, Chủ tịch Kim Jong Un đã tới thị sát Viện Vũ khí Hạt nhân và cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân cấp vũ khí.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên cung cấp các hình ảnh về cơ sở bí mật sản xuất uranium cấp vũ khí như vậy.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đến thăm khu vực này và kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ hơn để tăng "theo cấp số nhân" số lượng vũ khí hạt nhân của đất nước.

Không rõ địa điểm này có nằm trong khu phức hợp hạt nhân chính Yongbyon của Triều Tiên hay không, nhưng đây là lần đầu tiên Triều Tiên công khai một cơ sở làm giàu uranium kể từ khi họ giới thiệu một cơ sở tại Yongbyon với các học giả Mỹ đến thăm vào năm 2010, AP bình luận.

Khi đó, các quan chức Triều Tiên đã nói với đoàn chuyên gia của Đại học Stanford do nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker dẫn đầu, rằng 2.000 máy ly tâm đã được lắp đặt và đang hoạt động tại Yongbyon.

Việc tiết lộ hình ảnh về cơ sở này có thể là một nỗ lực nhằm gây thêm áp lực lên Mỹ và các đồng minh, đồng thời cũng là nguồn thông tin giá trị để ước tính lượng thành phần hạt nhân mà Triều Tiên đã sản xuất.

Ông Kim đã nhiều lần bày tỏ sự hài lòng trong chuyến thị sát về "sức mạnh kỹ thuật tuyệt vời của lĩnh vực năng lượng hạt nhân" mà Triều Tiên nắm giữ.

KCNA đưa tin, Chủ tịch Kim Jong Un đã đi quanh phòng điều khiển của cơ sở làm giàu uranium và một công trường xây dựng sẽ mở rộng năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân.

KCNA cho biết, Chủ tịch Kim Jong Un nhấn mạnh nhu cầu tăng thêm số lượng máy ly tâm để "tăng theo cấp số nhân vũ khí hạt nhân để tự vệ", một mục tiêu mà ông đã nhiều lần tuyên bố trong những năm gần đây.

Chủ tịch Triều Tiên cũng đã ra lệnh thúc đẩy việc đưa vào sử dụng một máy ly tâm loại mới, hiện đã đạt đến giai đoạn hoàn thiện.

Theo nhà lãnh đạo, Triều Tiên cần tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công phủ đầu vì "các mối đe dọa hạt nhân chống lại Triều Tiên do các lực lượng chư hầu do đế quốc Mỹ cầm đầu gây ra đã trở nên lộ liễu hơn và vượt qua ranh giới đỏ", KCNA cho biết.

Theo AP, những hình ảnh vệ tinh trong những năm gần đây cho thấy Triều Tiên đang mở rộng một nhà máy làm giàu uranium tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.

Vũ khí hạt nhân có thể được chế tạo bằng uranium hoặc plutonium làm giàu cao, và Triều Tiên có các cơ sở để sản xuất cả hai loại này tại Yongbyon.

Không rõ chính xác có bao nhiêu plutonium cấp vũ khí hoặc uranium làm giàu cao đã được sản xuất tại Yongbyon và Triều Tiên lưu trữ ở đâu.

Ankit Panda, một chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết:

"Nhìn chung, chúng ta không nên cho rằng Triều Tiên bị hạn chế về vật liệu phân hạch. Điều này đặc biệt đúng đối với uranium làm giàu cao, nơi Triều Tiên ít bị hạn chế hơn đáng kể về khả năng mở rộng quy mô so với plutonium."

Năm 2018, nhà vật lý hạt nhân Siegfried Hecker và các học giả của Đại học Stanford ước tính kho uranium làm giàu cao của Triều Tiên là 250 đến 500 kg (550 đến 1.100 pound), đủ cho 25 đến 30 thiết bị hạt nhân.

Chủ tịch Kim Jong Un đã giám sát việc bắn thử các tên lửa đạn đạo 600mm.
Chủ tịch Kim Jong Un đã giám sát việc bắn thử các tên lửa đạn đạo 600mm.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên công bố chi tiết về cơ sở làm giàu uranium này.

Một số chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc dự đoán rằng Triều Tiên đang bí mật vận hành ít nhất một nhà máy làm giàu uranium khác.

Năm 2018, một quan chức cấp cao của Hàn Quốc đã nói với quốc hội rằng Triều Tiên đã sản xuất tới 60 vũ khí hạt nhân. Ước tính về số lượng bom hạt nhân mà Triều Tiên có thể thêm vào mỗi năm khác nhau, dao động từ 6 đến 18.

Kể từ năm 2022, Triều Tiên đã tăng cường mạnh mẽ các hoạt động thử vũ khí để mở rộng và hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa hạt nhân nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên có thể thực hiện các vụ nổ thử hạt nhân hoặc thử tên lửa tầm xa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 với mục đích tác động đến kết quả và tăng đòn bẩy trong các giao dịch trong tương lai với người Mỹ.

Trước đó, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 12/9.

Trong một ám chỉ rõ ràng đến các vụ phóng đó, KCNA cho biết Chủ tịch Kim Jong Un đã giám sát việc bắn thử các tên lửa đạn đạo 600mm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để kiểm tra hiệu suất của các phương tiện phóng mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ