Triều Tiên gặp khó trong việc chế tạo máy bay AWACS giống A-50?

GD&TĐ - Tháng 12/2023, ảnh vệ tinh cho thấy nỗ lực của Triều Tiên trong việc chế tạo máy bay AWACS của riêng mình dựa trên 1 trong 3 chiếc Il-76 hiện có.

Triều Tiên gặp khó trong việc chế tạo máy bay AWACS giống A-50?

Khi đó đã xuất hiện hình ảnh một máy bay vận tải Il-76 được đưa đến khu vực riêng biệt của Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng, nơi công việc diễn ra, có thể hiểu là bước chuẩn bị cho việc lắp đặt "đĩa ăng ten" của radar gắn trên lưng chiếc phi cơ.

Tin tức này có vẻ khá logic trong bối cảnh Triều Tiên yêu cầu nhận máy bay chiến đấu Su-35S hiện đại từ Nga như một phần của chương trình trao đổi vũ khí, bởi Moskva đã nhận đạn pháo cùng tên lửa đạn đạo từ Bình Nhưỡng.

f3f66e9a48040fae.jpg
Bức ảnh đầu tiên vào tháng 12 năm 2023 cho thấy Triều Tiên đang phát triển hệ thống AWACS của riêng mình.

Gần một năm sau, vào tháng 9 năm 2024, một vài hình ảnh vệ tinh mới xuất hiện đã cho thấy tiến độ trong việc chế tạo máy bay AWACS của Triều Tiên, dữ liệu được các chuyên gia của IISS (Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế) đánh giá kỹ lưỡng.

Từ những gì thu về, có thể rút ra kết luận sơ bộ rằng trong khoảng thời gian này, Triều Tiên không đạt được thành quả đáng kể nào trong việc chế tạo máy bay AWACS của riêng mình, khi chiếc Il-76 nói trên vẫn không có ăng ten radar trên lưng.

Các chuyên gia của IISS nhấn mạnh, trình tự công việc được thực hiện bởi các Triều Tiên khá giống với những gì mà Nga và Trung Quốc thực hiện trong quá trình sản xuất máy bay AWACS dùng khung thân Il-76. Tuy vậy trong quá trình triển khai thực tế dự án, Triều Tiên đang gặp phải những khó khăn kỹ thuật riêng.

6d666e9a4be95c9e.jpg
Vẫn không có gì thay đổi trên chiếc Il-76 của Triều Tiên sau gần 1 năm được hoán cải.

Công bằng mà nói, thực tế đã có một số chuyển động xung quanh chiếc Il-76 của Triều Tiên nói trên, được sử dụng làm nền tảng máy bay AWACS tương tự A-50. Ví dụ vào đầu tháng 9 năm 2024, chiếc phi cơ này đã tiến hành chạy thử nghiệm, mục đích có thể là để kiểm tra tình trạng của động cơ.

Nhưng đồng thời, các chuyên gia của IISS bày tỏ một số hoài nghi về dự án, điển hình như Bình Nhưỡng chỉ có 3 chiếc IL-76, từ đó thu hẹp cơ sở cho những sửa đổi có thể xảy ra.

Đồng thời Triều Tiên không có hạ tầng để truyền dữ liệu từ máy bay cảnh báo sớm cho tiêm kích MiG-29, nên không loại trừ khả năng chiếc IL-76 này chỉ thực hiện vai trò của một "bộ thu radar bay".

Mặc dù vậy, hiện tại không có dữ liệu nào cho phép loại trừ khả năng Triều Tiên đang cố gắng tạo ra nhiều hơn 1 máy bay cảnh báo sớm tương tự như A-50 của Nga, bất chấp thực tế là chưa có dữ liệu nào về việc chuyển giao bổ sung Il-76 từ Moskva sang cho Bình Nhưỡng.

Ngoài ra cũng không thể loại trừ khả năng công việc của Triều Tiên hiện đang bị đình trệ chính là do đối tác chưa bàn giao đủ thiết bị liên quan, bởi bản thân họ cũng không đủ khí tài phục vụ nhu cầu chính bản thân, bằng chứng là phi đội AWACS của Moskva chưa thể phục hồi sau khi có tới 2 chiếc bị bắn rơi.

Một ca trực chiến của máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không A-50U thuộc biên chế Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Theo Defense Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ