Triệt tiêu thói xấu của trẻ nhờ… thời gian biểu

GD&TĐ - Một trong những cách để rèn thói quen, xây dựng nền nếp cho trẻ là lập thời gian biểu. Điều này khiến trẻ bước vào thế giới của “sự kiểm soát” nhất định từ cha mẹ.

Trẻ cần rèn luyện thói quen, nền nếp từ việc lập thời gian biểu hàng ngày. Ảnh minh họa
Trẻ cần rèn luyện thói quen, nền nếp từ việc lập thời gian biểu hàng ngày. Ảnh minh họa

Cần sự đồng thuận

Lập thời gian biểu là xây dựng thói quen hàng ngày theo một khung thời gian nhất định. Chẳng hạn như trẻ nên ngủ dậy, ăn, chơi, hoạt động… như thế nào. Thời gian biểu không chỉ quan trọng với người lớn chúng ta mà với trẻ nhỏ là điều vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp con cảm thấy được an toàn bởi con biết mình sắp phải làm gì và chuẩn bị đối mặt với chuyện gì?

Nhiều bố mẹ cảm nhận, điều này là cứng nhắc đối với con. Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc lập thời gian biểu sẽ giúp con hình thành tính tự lập, học cách tự giác. Chẳng hạn như khi trẻ hiểu được một buổi sáng thức dậy với công việc vệ sinh cá nhân, ăn sáng, mặc quần áo rồi sau đó đến trường.

Khi đó, bố mẹ sẽ không cần phải liên tục hàng ngày nhắc nhở, thúc giục thậm chí là hò hét. Mà tất cả những công việc đó sẽ được diễn ra đúng lịch. Bởi trẻ cho đó là việc của bản thân và con có trách nhiệm cần phải làm.

Thói quen tốt sẽ cải thiện tốt hơn khi trẻ biết điều chúng sắp làm. Nhiều phụ huynh than rằng con mình có nhiều thói quen xấu. Khi áp dụng lịch trình sinh hoạt thường xuyên, thói quen xấu của trẻ cũng giảm đáng kể.

Hẳn bạn đã nhiều lần gặp cảnh những đứa trẻ không ngồi vào bàn ăn tối cùng gia đình. Thay vào đó, mẹ hay bà cầm tô cơm chạy vòng vòng thúc ép bé ăn. Hoặc khi trẻ không ngủ trưa mà chỉ mải chơi, cho tới khi ngồi vào bàn học thì ngủ gục, bố mẹ phải vất vả ép con hoàn tất bài tập.

Nếu có thời khóa biểu rõ ràng, cả gia đình sẽ đỡ vất vả trong việc nuôi dưỡng trẻ hơn. Chính vì vậy, việc duy trì lịch trình sinh hoạt của con phải có sự đồng thuận của cả gia đình. Tránh hết sức việc bố cấm mẹ cho.

Nhiều ý kiến cho rằng, không hẳn là một thời gian biểu chi tiết với thời gian ăn, thời gian ngủ đúng từng phút, không ép buộc trẻ tuân theo một khuôn khổ lặp đi lặp lại. Đơn giản, phụ huynh có thể chia sẻ với bé những gì sẽ diễn ra trong ngày. Cha mẹ cần cùng trẻ xây dựng nền nếp, tạo dựng thói quen nhưng vẫn bảo đảm được sự sáng tạo, trải nghiệm cần thiết.

Trong mỗi nhà trường, ổn định sĩ số, rèn nền nếp cho trò là việc làm vô cùng quan trọng. Việc rèn thói quen ban đầu cho trẻ nhằm hình thành cho trẻ những cơ sở đầu tiên về giáo dục nhân cách và phát triển toàn diện là nhiệm vụ hết sức khó khăn luôn được đặt hàng đầu. Vì thế, phải biết kết hợp tốt và chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để chăm sóc nuôi dạy theo kiến thức khoa học. Có thể nói rằng, những điều mà trẻ bắt đầu được tiếp nhận ở độ tuổi này đều có ảnh hưởng lâu dài đến việc hình thành toàn bộ nhân cách sau này.

Cô Nguyễn Phương Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Nội - cho rằng, nếp sống hàng ngày của trẻ cần rất nhiều khoảng trống linh hoạt để trẻ có thể hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đó là khám phá và thử nghiệm. Và trẻ cũng cần thật nhiều cơ hội để tự ra những quyết định, lựa chọn của riêng mình về việc sẽ dùng thời gian như thế nào trong thời khóa biểu đã đề ra.

Cũng theo cô Thảo, việc lập thời gian biểu đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập, lao động của con người. Đặc biệt, với đối tượng học sinh, hoạt động lập thời gian biểu giúp các em quản lý tốt thời gian, cân bằng giữa học tập và vui chơi nhằm đảm bảo sức khỏe lẫn sự phát triển toàn diện về trí tuệ và tinh thần. Nhưng người lớn cũng cần linh hoạt khi cùng con lập kế hoạch cho những hoạt động.

Lập một thời gian biểu hiệu quả

Thời gian biểu hiệu quả là khi các bạn trẻ xác định được kế hoạch công việc trong học tập hay sinh hoạt, giải trí. Chẳng hạn, hôm nay bản thân phải làm gì, hoàn thành nó trong thời gian thế nào.

Từ đó, hình thành ý thức tự giác khi đặt ra mục tiêu, trách nhiệm với công việc phải hoàn thành trong thời gian đã được ấn định. Đồng thời, chủ động trong hoạt động, làm chủ trong suy nghĩ của mình.

Một thời gian biểu với những lịch trình công việc phù hợp có thể giúp học sinh không cảm thấy áp lực, căng thẳng, giúp tinh thần luôn cảm thấy vui vẻ. Từ đó, tránh xa những căn bệnh thường xuyên xảy ra do áp lực học tập.

“Khi hoạt động theo thời gian biểu, bạn sẽ nhận ra được những thói quen xấu đang hàng ngày tiêu tốn thời gian, gây ảnh hưởng đến học tập mà sau này, sẽ kiềm chế sự thành công của mỗi người. Chẳng hạn, khi các em có thời gian biểu, việc vừa học tập vừa lướt Facebook hay xem các trang web khác là điều ít xảy ra”, cô Thảo nói.

Bởi theo giáo viên này, nhiều học sinh có thói quen tuỳ hứng, học tập không khoa học và không theo kỷ luật dẫn đến hiệu quả học tập không cao trong khi tốn rất nhiều thời gian. Việc sử dụng thời gian biểu sẽ giúp các em hình thành nên thói quen học tập đúng quy củ để đảm bảo quỹ thời gian được sử dụng hiệu quả nhất.

Học sinh nên biết được khoảng thời gian thích hợp nhất cho việc học tập của mình. Có người học tốt vào buổi sáng, có người lại tiếp thu kiến thức nhanh hơn vào buổi tối. Việc xác định khung giờ để có sự phân bố thời gian biểu hợp lý giúp các bạn tránh lãng phí thời gian học mà lại không hiệu quả.

Học sinh cần nắm vững một số lưu ý để giúp thời gian biểu có thể hoạt động tốt nhất. Tránh sắp xếp thời gian công việc học tập liền sát nhau. Mặc dù, việc học tập có dày đặc đến mấy, các bạn cũng không nên sắp xếp chúng quá liền sát nhau. Với mức thời gian quá khít nhau khi bị chệch quỹ đạo sẽ vô cùng khó để sửa lại.

“Thành công của mỗi người gắn liền với những thói quen tốt được duy trì trong thời gian dài. Mặc dù, chúng ta không thể bắt chước thành công của người khác nhưng lại có thể học hỏi những thói quen của họ. Chính vì thế, nếu bố mẹ muốn con mình có một tương lai tươi sáng, ngay từ nhỏ cần rèn luyện thói quen, nền nếp tốt cho trẻ. Một trong số đó là lập thời gian biểu. Đây cũng là cách để trẻ quản lý thời gian hợp lý sau này”, cô Nguyễn Phương Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ