Trẻ nhỏ giống như trang giấy trắng, thích bắt chước người khác và lặp lại hành vi giống hệt người lớn mà chưa phân biệt được đó là đúng hay sai, vì vậy trẻ có thể học một vài tính xấu của ai đó.
Thực tế, các gia đình trẻ ngày nay, đặc biệt là những gia đình khá giả, thường gặp khó khăn với việc dạy dỗ con cái biết ơn và cư xử biết điều, bởi chính cha mẹ cũng đôi khi khiến con trở nên hư hơn thông qua việc chiều chuộng và đáp ứng con quá mức cần thiết.
Con hư là do cách giáo dục ngay từ nhỏ của cha mẹ, gia đình chính là môi trường đầu tiên tạo nên thói quen xấu của trẻ (Ảnh minh họa).
Nhà tâm lý học Daniel Koh, hiện công tác tại Trung tâm Insights Mind Center (Singapore) chỉ ra những dấu hiệu của một đứa trẻ hư như:
- Bắt đầu kiểm soát bố mẹ, không bao giờ hài lòng với những gì đang có và muốn nhiều hơn
- Tự cho mình là trung tâm và không quan tâm đến người khác
- Cư xử thô lỗ, đòi hỏi và hung hăng
- Hay mè nheo, khóc lóc khiến mẹ xấu hổ trước mặt những người khác
Vậy để con trẻ nên người, bên cạnh tình yêu thương và sự kiên nhẫn, người lớn còn cần phải có phương pháp đúng. Nếu mẹ không uốn nắn ngay 5 thói xấu dưới đây thì sớm muộn con sẽ thành đứa trẻ hư.
1. Mè nheo, hay khóc lóc
Đây là tình trạng của không ít bà mẹ khi phải "đối phó" với không ít lần con mè nheo, quấy khóc. Mẹ hãy tìm hiểu xem lí do con mè nheo như vậy là gì. Liệu con có đang cảm thấy bị bỏ rơi, không được mẹ lắng nghe hay không, có phải mỗi khi con khóc là mẹ lại cho bé một món đồ chơi mới hoặc xem điện thoại hay không.
Chuyên gia tâm lý Richard Bromfield của Đại học Harvard, tác giả cuốn How to Unspoil your Child Fast giải thích: "Khi trẻ liên tục mè nheo, đòi hỏi tức là bé đang tìm ra giới hạn của mình với bố mẹ, hay nói cách khác người lớn cần đặt ra giới hạn để kiểm soát đòi hỏi của trẻ một cách hợp lý hơn."
Ngay khi phát hiện ra con có biểu hiện quấy khóc quá mức, hãy nhắc nhở con cần phải ngừng ngay hành động đó. Nói với con rằng mẹ không thể hiểu được con đang cần gì hay cảm thấy thế nào nếu con cứ tiếp tục rên rỉ, khi con bình tĩnh và nói bằng giọng bình thường thì mẹ sẽ lắng nghe và hiểu con hơn.
Mè nheo, khóc lóc là hành vi phổ biến của trẻ nhỏ, nhưng nếu để lâu sẽ tạo thành thói quen không tốt (Ảnh minh họa).
2. Liên tục đòi hỏi
Nếu mẹ thấy con thường đưa ra những câu mệnh lệnh để đòi hỏi và yêu cầu người khác thì bé cần được uốn nắn ngay. Đứa trẻ hư thường hay đòi hỏi và đặt ra yêu cầu cho người khác phải thực hiện theo.
Chẳng hạn bé muốn mẹ phải xếp sẵn đồ ăn, đòi đi chơi ở những nơi bé muốn, hoặc bắt bố mẹ phải đi thu dọn đống đồ chơi hay tìm món đồ nào đó cho bé.
Mẹ cần có cuộc nói chuyện rõ ràng và ý thức cho bé về lòng biết ơn, biết hài lòng với những gì mình đang có, không nên đòi hỏi những yêu cầu vượt khả năng và giới hạn cho phép. Cần hạn chế những món quà tặng vật chất và tránh mua chuộc con bằng những thứ như điện thoại, đồ chơi để có được hành vi đúng đắn từ con.
Cho con tham gia một số hoạt động cộng đồng để khơi dậy sự chia sẻ, biết ơn của trẻ.
3. Ăn vạ nơi đông người
Hầu hết các bà mẹ đều lúng túng và khó xử khi con bắt đầu ăn vạ, khóc lóc giãy giụa ở nơi công cộng. Bởi hàng trăm cặp mắt đang đổ dồn về phía mình, và người mẹ thì chưa biết làm gì để xử trí ngoại trừ việc đứng chờ cơn giận của con qua đi. Nếu hành động ăn vạ này liên tục tiếp diễn, con dễ thành trẻ hư sau này.
Mẹ hãy cố gắng bỏ qua mọi ánh nhìn, nói với con rằng con không nên hành động như vậy ở nơi đông người. Hay đơn giản thực hiện quyền làm chủ của cha mẹ bằng cách tách bé ra khỏi tình huống này, đưa bé về nhà ngay lập tức mà không cần nhượng bộ, bé cần hiểu ăn vạ, cáu giận không giải quyết được vấn đề.
Mẹ cần loại bỏ triệt để hành vi ăn vạ, nhất là chỗ đông người của trẻ (Ảnh minh họa).
4. Nói năng thô lỗ, cãi lại người lớn
Sự thiếu tôn trọng và thô lỗ đi đôi với ý thức về quyền lợi. Bởi khi trẻ đã quen hành động hoặc một việc nào đó theo cách của chúng, và đột nhiên không được như ý muốn, trẻ tự nhiên cảm thấy bị tổn thương và nói những điều thô lỗ.
Mẹ cần đưa trẻ đi chỗ khác và nói với con rằng mẹ không hài lòng với hành động cãi lại, nói trả treo thô lỗ của con. Mẹ cũng có thể để bé ở trong phòng một mình để suy nghĩ về những gì bé đã làm, rồi cùng thảo luận lại sau. Cần đặt ra ranh giới và hình thức kỉ luật nếu bé tiếp tục mắc phải.
Ngoài ra, việc định hướng và dạy bé cách nói chuyện đúng đắn với người khác cũng rất cần thiết, ngay cả khi con đang tức giận hoặc bực bội. Đừng quên bố mẹ chính là tấm gương gần gũi nhất để con bắt chước theo.
5. Không muốn làm việc nhà
Bé phụng phịu, tỏ ra khó chịu khi mẹ đề nghị cùng làm việc nhà. Có thể bé chưa coi đó là nhiệm vụ của mình. Mẹ cần thay đổi suy nghĩ đó của con, nói chuyện với con về nhiệm vụ của con khi ở nhà, và tại sao mọi thành viên trong gia đình cần phải làm việc, đóng góp cho các công việc chung.
Nếu con muốn nhận được những điều tốt đẹp như một món ăn ngon, căn phòng thơm tho sạch sẽ hay lời khen ngợi thì con cần hoàn thành nhiệm vụ của mình.