Triết lý sản xuất của smartphone Nhật

Trong khi công nghệ di động liên tục thay đổi và các nhà sản xuất thường xuyên áp dụng cải tiến mới, smartphone ở Nhật vẫn duy trì những triết lý nhất định.

Triết lý sản xuất của smartphone Nhật

Chống nước: Người Nhật rất thực tế và họ hiểu rằng ai cũng có lúc sơ sẩy làm rơi điện thoại của mình xuống bồn cầu, chậu rửa tay, bể bơi...

Do đó, smartphone Nhật thường có tính năng chống nước trong khi các hãng điện thoại khác trên thế giới vẫn chưa coi đây là đặc điểm "cần phải có" trên thiết bị.

Độ dày: Dù smartphone đang ngày càng mỏng hơn, đây không phải đặc điểm mà các hãng Nhật cố chạy đua theo. Họ sẵn sàng để sản phẩm dày hơn một chút nếu điều đó giúp tăng diện tích cho viên pin lớn hơn.

Màn hình Full HD: Nhiều nhà sản xuất Android đang cố cho ra đời điện thoại với màn hình QHD (1.440 x 2.560 pixel), nhưng với diện tích màn hình nhỏ tầm 5 inch, mắt thường khó phân biệt được sự khác nhau giữa 1080p và 1440p trừ khi họ dùng điện thoại đó để xem nội dung thực tế ảo VR.

Vậy tại sao phải bỏ nhiều tiền hơn cho màn hình QHD trong khi phải hy sinh thời lượng pin và nội dung VR vẫn chưa phổ biến.

Tính năng Relax Auto: Có thể bạn đã nghe nói ánh sáng xanh phát ra từ màn hình ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ và Apple mới đây cũng bổ sung tính năng Night Shift qua bản cập nhật iOS 9.3.

Trong khi đó, một số smartphone ở Nhật có chế độ Relax Auto thông minh với khả năng nhận biết khi nào người dùng cảm thấy mệt mỏi và tự động giảm lượng ánh sáng xanh.

Màn hình sát viền: Thử đặt ba điện thoại cùng có màn hình 5,5 inch là iPhone 6s Plus, Galaxy S7 edge và LG G4 cạnh nhau, bạn sẽ thấy lợi thế của việc sử dụng màn hình sát viền giúp kích cỡ máy nhỏ gọn hơn.

Nhưng kiểu thiết kế với viền màn hình mỏng không phải "phát minh" của Samsung hay LG mà là nhờ các công ty Nhật như Sharp với triết lý thiết kế "Edgest" - đưa màn hình lớn vào trong thiết bị có kích thước nhỏ nhất có thể.

Thời gian sạc: Các nhà sản xuất Nhật gần đây bổ sung thời gian sạc pin như một thông số cần có khi giới thiệu điện thoại. Nhờ đó, người dùng sẽ biết họ cần bao nhiêu thời gian để nạp đầy năng lượng cho máy mà không cần chờ các chuyên gia đánh giá dùng thử và nói cho biết như trước.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ