Triết học: Cung cấp thế giới quan, phương pháp luận chung nhất cho mọi lĩnh vực

GD&TĐ -Triết học - ngành học nghiên cứu về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy - có phạm vi ứng dụng khá rộng.

Triết học - ngành học nghiên cứu về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy
Triết học - ngành học nghiên cứu về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy

Trong nhiều năm qua, Khoa Triết học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, học viên cao học và nghiên cứu sinh

Nhiều cựu sinh viên đã phát huy tốt những điều đã học trong công việc để khẳng định giá trị của mình và đóng góp vào sự phát triển của đơn vị công tác nói riêng, của đất nước nói chung. Qua những kết quả mà các thế hệ đã gầy dựng, vun đắp và khẳng định tạo nên thương hiệu về ngành Triết học đối với xã hội, nhà tuyển dụng cho nên trong những năm gần đây, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên khi ra trường ngành này càng đa dạng, rộng mở.

Tất cả đều cần đến tư duy triết học

Với lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển gần 70 năm qua của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, Khoa Triết học tiền thân là Tổ bộ môn, tiếp theo là Ban Triết học Đông phương, Ban triết học Tây phương (1955) rồi đến Khoa Đào tạo giảng viên chính trị thuộc Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, (1976), và hiện nay là Khoa Triết học đã, đang là đơn vị đào tạo uy tín về ngành Triết học ở khu vực phía Nam.

PGS.TS Cao Xuân Long - Trưởng Khoa Triết học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM khẳng định: “Bên cạnh những lĩnh vực mang tính truyền thống, thế mạnh là giảng dạy, nghiên cứu, tuyên giáo về Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa học chính trị,…mà khoa cung cấp và đã khẳng định thương hiệu trong các công việc này cho cho xã hội, thì từ những cơ hội, và thực tế mà các khóa cựu sinh viên của khoa, khẳng định cử nhân Triết học còn có thể đảm nhận tốt một số công việc quan trọng trong lĩnh vực hành chính công”. Trong đó có thể kể đến những lĩnh vực: nghiên cứu, quản lý, hoạt động chính trị, kinh tế, báo chí,..

TS. Võ Châu Thịnh - Phó Trưởng khoa Triết học cũng cho biết: “Cần nhấn mạnh rằng ở Việt Nam, không có trường cao đẳng, đại học nào không cần giảng viên triết học và ở tất cả các ngành đào tạo đều giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin. Do đó, nhu cầu về đội ngũ giáo viên, giảng viên được đào tạo bài bản ngành Triết học trên cả nước là rất lớn và ổn định”.

Với bề dày lịch sử và kinh nghiệm đào tạo, khoa Triết học xây dựng được một kết nối rộng rãi với nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức trong nhiều lĩnh vực khác nhau. “Hầu hết cử nhân ngành Triết học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM đều được chấp nhận vào làm việc ở các cơ quan, các cơ sở giáo dục mỗi khi có nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp cử nhân, ai cũng phải bắt đầu sự nghiệp từ vị trí là nhân viên, công việc có nhiều thử thách và mức độ thăng tiến tùy thuộc phần lớn vào năng lực và thái độ của bạn.” - TS. Võ Châu Thịnh động viên.

Thực tế, ngành Triết học không “kén” việc vì “tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội đều cần đến tư duy triết học” - TS. Võ Châu Thịnh nhận định. Người học có thể đảm trách những công việc hành chính, tổ chức, quản lý ở các cơ quan, trường học, thậm chí ở các công ty tư nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất hàng hóa đến dịch vụ.

Ngoài những giờ học lý thuyết và thực hành trên giảng đường, sinh viên khoa Triết học có nhiều “sân chơi” rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm, thực tế từ Đoàn thanh niên; Hội sinh viên, các phòng ban và các câu lạc bộ,... Ngoài ra, sinh viên còn có những hoạt động thực tế để định hướng nghề nghiệp tại các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng như các Học viện, các trường Đại học,… hay thực tập tại các cơ quan ở địa phương; đi thực tế, điền dã tại các địa điểm tôn giáo, văn hóa, lịch sử…; thực tập soạn giáo án và trình bày bài giảng nội dung mà sinh viên thu thập trong quá trình thực tế.

Minh họa 1 (3).png
Sinh viên ngành Triết học trong hoạt động Xuân tình nguyện

Cơ hội thăng tiến và phát triển trong nhiều lĩnh vực

Anh Hoàng Quốc Hợp (cao học Triết học khoá 2021–2023) hiện tại đang là cán bộ công tác tại Binh đoàn 16 cho biết, thời gian theo học tại khoa luôn nhận được sự quan tâm sâu sát từ thầy cô. Đồng thời, khoa cũng chia sẻ nơi tuyển dụng, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị cho người học. Anh cho hay: “Những kiến thức được giảng dạy đã hình thành cho tôi phương pháp luận khoa học, hình thành nên tư duy biện chứng, duy vật để phục vụ công tác và cuộc sống”.

Sinh viên ngành Triết học của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM có nền tảng kiến thức chuyên ngành chuyên sâu và một số lĩnh vực liên quan như khoa học tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội… TS. Lại Văn Nam - Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết, cử nhân Triết học được tuyển dụng và làm việc tại ở nhiều vị trí khác nhau như: Khoa Lý luận chính trị, phòng Thanh tra giáo dục, Tổ chức-Hành chính, phòng Tài chính - Kế toán, Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp... đều đáp ứng yêu cầu công việc và phát huy được vai trò của mình.

TS. Trương Hoài Phương- Trưởng khoa, hiện công tác tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2, Bộ Công An cũng đề cao khả năng phát triển cao trong giảng dạy lý luận chính trị của sinh viên Triết học. Trong đó, người học có cơ hội trở thành cán bộ tham mưu công tác công an giỏi. Thậm chí, có nhiều cơ hội thăng tiến làm nhà quản lý, lãnh đạo trong ngành công an nói chung và các trường công an nói riêng.

Minh họa 2 (3).png
Sinh viên ngành Triết học tham quan học tập tại Học viện Chính trị khu vực II

“Cho những ai không chùn chân, mỏi gối”

TS. Biền Quốc Thắng (cựu sinh viên khóa 2001-2005) hiện đang là giảng viên Chính trị học, Học viện Chính trị khu vực II cho rằng: “Với những tri thức, tố chất đó, người học Triết học có thể thích ứng được với nhiều công việc khác nhau. Vậy nên, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến sẽ rất rộng mở đối với người học. Trong tương lai cơ hội nghề nghiệp của ngành Triết học sẽ lớn hơn nữa trên các lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy, làm việc ở các cơ quan trong hệ thống chính trị, các doanh nghiệp…”

PGS.TS. Cao Xuân Long cũng gửi lời: “Triết học là ngành khoa học cơ bản mang tính hàn lâm, khi chọn học ngành này, đừng suy nghĩ ngắn hạn, nóng vội. Tri thức triết học tích lũy nghiêm túc sẽ đem lại giá trị lớn. Người có giá trị sẽ được xã hội trọng dụng. Thành công sẽ đến cho những ai không chùn chân, mỏi gối”.

Tốt nghiệp khóa 2013-2017 và trở lại công tác tại Trường, ThS. Đoàn Xuân Toàn tâm sự: “Nếu yêu thích và mong muốn theo đuổi ngành triết học thì cần nỗ lực hết mình với sự lựa chọn. Đồng thời cần tích cực trao đổi, chia sẻ với những người đi trước, đặc biệt là các giảng viên Khoa Triết học. Bởi các thầy cô không chỉ là những người giỏi kiến thức chuyên môn mà họ còn là những người giỏi trong hoạt động thực tiễn có như vậy mới giúp chúng ta tiến nhanh, tiến xa”.

Bên cạnh đó, ThS. Đoàn Xuân Toàn cũng nhắn nhủ sinh viên cần trang bị thêm kỹ năng ngoại ngữ, cũng như tinh thần cống hiến, tích cực tham gia các hoạt động để rèn luyện bản thân.

Là đơn vị đào tạo ngành Triết học uy tín hàng đầu ở phía Nam, Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản và phát triển các kỹ năng, thái độ, thế giới quan và nhân sinh quan khoa học. Trong đó, sinh viên nhiều lựa chọn chuyên ngành như Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tôn giáo học, và Khoa học chính trị.

Cử nhân Triết học có thể làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, từ nghiên cứu và giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, đến làm giáo viên các môn lý luận chính trị, giáo dục chính trị và giáo dục công dân. Cử nhân có nhiều cơ hội công tác tại các cơ quan Đảng và Nhà nước hoặc làm việc tại các cơ quan truyền thông, nhà xuất bản, và các phòng hành chính, nhân sự tại các công ty.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.