Triết học nghiên cứu về các câu hỏi chung và cơ bản về sự tồn tại, kiến thức, giá trị, lý trí, tâm trí và ngôn ngữ. Những câu hỏi như vậy thường được đặt ra là vấn đề cần nghiên cứu hoặc giải quyết. Ngành Triết học cung cấp những phương pháp nghiên cứu có hệ thống, giúp con người giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong đời sống xã hội.
Trong nhiều năm qua, khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) là đơn vị đào tạo uy tín ngành Triết học ở khu vực phía Nam. Nhiều thế hệ cựu sinh viên đã thành đạt, có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Để hiểu rõ hơn về ngành học này, Báo Giáo dục & Thời đại có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Đào Tuấn Hậu – Trưởng khoa Triết học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Đào tạo lý thuyết gắn với thực hành
PV: Xin thầy cho biết về lịch sử hình thành của ngành Triết học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM
TS. Đào Tuấn Hậu: Tiền thân của khoa Triết học thuộc trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM là khoa Đào tạo giảng viên chính trị thuộc trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, được thành lập vào năm 1976, theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Như vậy nếu tính từ năm 1976 đến nay, khoa Triết học đã có lịch sử hình thành, phát triển hơn 45 năm, đã có rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trưởng thành từ khoa.
Đ/c Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư BCH TW Đảng (cựu sinh viên khoa Triết học) chụp hình lưu niệm cùng thầy cô nhân dịp về thăm trường. |
PV: Sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Triết học?
TS. Đào Tuấn Hậu: Ngành Triết học bậc Đại học được thiết kế thành 120 tín chỉ, học trong vòng khoảng 3,5 năm đến 4 năm. Kiến thức được chia thành ba nhóm cơ bản, gồm: (1) nhóm kiến thức đại cương, (2) nhóm kiến thức cơ sở ngành và (3) nhóm kiến thức chuyên ngành. Khối lượng kiến thức đại cương thì sinh viên chủ yếu học trong năm nhất, kiến thức cơ sở ngành thì học chủ yếu từ năm hai trở đi, kiến thức chuyên ngành thì học từ năm thứ ba trở đi sau khi phân chia chuyên ngành. Chương trình đào tạo thiết kế đảm bảo tính hệ thống, toàn diện, cơ bản, gắn lý luận với thực tiễn và có khả năng liên thông với nhau. Trong đó, kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành chiếm khoảng 70%, còn lại 30% sẽ tập trung theo hướng chuyên sâu của các chuyên ngành.
Các bạn có thể tham khảo chương trình đào tạo ngành Triết học tại đường dẫn: https://hcmussh.edu.vn/triethoc/DTDH
PV: Việc đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa thầy?
TS. Đào Tuấn Hậu: Triết học là một trong những ngành thuộc về khoa học cơ bản, việc thực hành cũng không giống các ngành, nghề khác. Tiêu chí gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành luôn được chú trọng ở bất cứ ngành học nào và nó trở thành nguyên lý giáo dục hiện nay. Khoa Triết học cũng không ngoại lệ, việc đào tạo gắn với thực hành ở ngành Triết học được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, thông qua các buổi thảo luận, tranh luận trên lớp; thông qua môn học thực tập thực tế hàng năm; thông qua việc đi nghiên cứu thực tế; thông qua việc thực hành, tham gia các hoạt động do khoa, trường, các tổ chức Đoàn – Hội thực hiện;…
Khi hoàn thành chương trình đại học, sinh viên sẽ được trang bị ba yếu tố cốt lõi là (1) có kiến thức vững về chuyên ngành được đào tạo, (2) có các kỹ năng sống và làm việc tốt, (3) có thái độ sống và làm việc tích cực. Với ba yếu tố đó thì khi tham gia vào các công việc cụ thể, việc thích ứng sẽ rất nhanh, mang lại hiệu quả công việc tốt.
Dùng lý luận để giài thích cuộc sống
PV: Được biết, ngành Triết học đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành có thể làm tốt những công việc như thế nào?
TS. Đào Tuấn Hậu: Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Triết học khá rộng. Thực tế, cựu sinh viên của khoa hiện đang làm nhiều ngành, nghề khác nhau như:
1. Nghiên cứu, giảng dạy triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, chính trị học, tôn giáo học tại các viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
2. Giảng dạy các môn lý luận chính trị tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường chính trị;
3. Làm giáo viên bậc trung học các môn giáo dục chính trị và giáo dục công dân;
4. Làm việc tại các cơ quan Đảng và Nhà nước như: Ban tuyên huấn, Ban dân vận; Ban Dân tộc; Ban tôn giáo; công tác Đảng tại các cơ quan; công tác thanh niên, học sinh, sinh viên;…
5. Làm công tác biên tập tại các báo, đài, nhà xuất bản.
6. Làm hành chính, nhân sự, huấn luyện, tư vấn khách hàng,… tại các công ty tư nhân và nhà nước,…
7. Khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho mình, cho người khác ở một số lĩnh vực,…
PV: Để theo học ngành Triết học, các bạn trẻ cần có những tố chất nào thưa thầy?
TS. Đào Tuấn Hậu: Ngành Triết học là một trong những ngành khá kén chọn người học, vì không phải ai cũng học tốt ngành này. Với lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, ngành Triết học có kiến thức khá rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của thế giới (tự nhiên, xã hội, con người, tư duy,…). Kiến thức của nó mang tính khái quát, hệ thống, trừu tượng rất cao, do vậy, nếu các bạn nào có kiến thức tổng hợp rộng, có tố chất tư duy khái quát, tư duy logic, tư duy trừu tượng tốt, và thêm vào đó là có đam mê đọc sách, tìm tòi nghiên cứu thì vào học sẽ rất phù hợp.
PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo thầy, sinh viên cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành Triết học?
Đa dạng các chương trình, hoạt động dành cho sinh viên khoa |
TS. Đào Tuấn Hậu: Như tôi đã nói, có ba yếu tố quan trọng, cốt lõi để giúp các bạn thành công trong công việc, đó là chuyên môn, kỹ năng và thái độ.
Về mặt chuyên môn, cần nắm kiến thức một cách hệ thống, càng sâu và rộng thì càng tốt. Các bạn cần gắn các vấn đề lý luận với cuộc sống, lấy ví dụ từ cuộc sống để hiểu rõ lý luận và dùng lý luận để giải thích cho cuộc sống. Đó là cách học, cách hiểu vấn đề tốt nhất, và làm cho ngành học của mình không xa lạ với cuộc sống, không bay bổng trên không trung.
Ngoài chuyên môn chúng ta cũng cần có nhiều kỹ năng sống và làm việc, ví dụ như kỹ năng tự học, tự nghiên cứu; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng giao tiếp…
PV: Xin thầy cho lời khuyên đối với các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành Triết học này để thực hiện đam mê và thành công.
TS. Đào Tuấn Hậu: C. Mác đã nói rất hay rằng: “Đối với khoa học, không có con đường nào bằng phẳng thênh thang cả, chỉ có những người không sợ chồn chân mỏi gối để trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của khoa học mới có hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi”.
Muốn thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào chúng ta cũng phải có sự kiên trì, quyết tâm lớn. Tôi chúc cho tất cả các bạn sẽ có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp, để chúng ta ai cũng không phải hối hận, ai cũng luôn cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
Trân trọng cảm ơn thầy!