Triển vọng sáng tạo từ mạch nguồn văn hóa dân tộc

GD&TĐ - Ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật sáng tạo từ nền tảng văn hóa truyền thống.

Triển lãm 'Dân gian trong Gen Z' hội tụ các tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian.
Triển lãm 'Dân gian trong Gen Z' hội tụ các tác phẩm lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian.

Song, nhiều người vẫn băn khoăn liệu đó có phải là xu hướng đúng?

Đưa truyền thống gần hơn với hiện đại

Để trả lời câu hỏi này không phải dễ, thậm chí có thể gây tranh cãi tiêu cực giữa hai quan điểm: Sáng tạo là tìm cái mới, không lặp lại cái đã có – và: Sáng tạo dựa trên vốn văn hóa truyền thống để không lai căng.

Những năm gần đây, chất liệu văn hóa dân gian nổi lên như một kho tàng cảm hứng phong phú và hấp dẫn cho các hoạt động nghệ thuật. Từ âm nhạc, thiết kế, hội họa, đến phim ảnh, thời trang... các sáng tạo từ văn hóa xưa len lỏi vào cuộc sống, đánh thức nét đẹp truyền thống.

Là một trong những nghệ sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam, có công lan tỏa âm nhạc dân tộc đến công chúng khắp thế giới, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá, như: Echo Music Prize (2018), Giải thưởng Cống hiến (2014 và 2020).

Mới đây nhất, trong album Rạng Đông, Ngô Hồng Quang kết hợp táo bạo khi đưa âm nhạc của 6 nhóm đồng bào dân tộc thiểu số: Chăm, Mông, Tày, Nùng, Pa Dí, Khơ Mú; với đàn tính, đàn tranh, đàn môi cùng beatbox, nhạc cụ dân gian Ấn Độ, bộ gõ đương đại… với phần biểu diễn của các nghệ sĩ quốc tế để hình thành một sản phẩm âm nhạc vừa truyền thống vừa hiện đại.

“Đây là kết quả của quá trình điền dã, tìm tòi sáng tạo để có được những tác phẩm mang dấu ấn văn hóa và sáng tạo cá nhân. Vì làm đĩa ở cả 2 nước Việt Nam và Pháp nên khá mất thời gian, công sức và tài chính. Nhưng với tinh thần yêu cái đẹp, yêu văn hóa bản địa và âm nhạc dân tộc nên tôi luôn sẵn sàng dấn thân”, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang chia sẻ.

Trong lĩnh vực biểu diễn, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều chương trình mang dấu ấn sáng tạo từ nền tảng văn hóa dân tộc. Ca sĩ Hà Myo là một điển hình trong việc kết hợp xẩm với âm nhạc hiện đại để giúp loại hình âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng và dễ cảm thụ hơn đối với người trẻ.

“Trong thời đại 4.0, cách lan tỏa nét đẹp văn hóa theo phương pháp truyền thống không phù hợp nữa. Tức là không thể chờ khán giả đến các sân khấu nhỏ hay các câu lạc bộ. Đặc biệt, hát xẩm là hát đường phố nên có rất ít chương trình nghệ thuật lớn về hát xẩm. Hà muốn trực tiếp đem nghệ thuật hát xẩm đến với các bạn trẻ, và sẽ làm cho xẩm trở nên gần gũi trong đời sống hàng ngày đối với mọi người”, ca sĩ Hà Myo cho biết.

Tuy nhiên để thành công khi kết hợp giữa xẩm và âm nhạc hiện đại, từ bài xẩm đầu tiên, Hà Myo đã phải đối mặt với những ý kiến trái chiều, thậm chí cho là “phá xẩm”. Tuy nhiên với sự kiên trì, không ngừng làm mới xẩm trên tinh thần bảo tồn nguyên vẹn giá trị di sản nên các sản phẩm của Hà Myo ngày càng thu hút được đông đảo khán giả.

Không chỉ dừng lại ở xẩm, Hà Myo còn hát xoan, hát văn, chèo, dân ca Nam Trung Bộ, dân ca dân tộc Mường. Mỗi sản phẩm kết hợp mất rất nhiều chất xám cũng như thời gian. Đặc biệt cần sự chỉn chu, vì chỉ cần một chút sơ suất, một chút thiếu kiến thức sẽ dẫn tới thất bại.

trien-vong-sang-tao-tu-mach-nguon-van-hoa-dan-toc-1.jpg
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang (bên phải) trong đêm diễn 'Về Kinh Bắc'.

Định hình văn hóa, không phải “sáng tạo một nửa”

Lĩnh vực hội họa gần đây cũng xuất hiện hàng loạt các tác phẩm và triển lãm thể hiện rõ sáng tạo từ truyền thống. Điển hình nhất là triển lãm “Dân gian trong Gen Z” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hồi tháng 7/2024.

Các tác phẩm với bộ tranh về hát bội dưới góc nhìn mang hơi hướng hoạt hình vui tươi; từ những bài vè, đồng dao tạo nên các bức họa dí dỏm; hay vẽ tranh Đông Hồ bằng ngôn ngữ hiện đại.

Lĩnh vực thời trang xuất hiện nhiều bộ sưu tập của nhà thiết kế lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian. Với show diễn “Vĩnh họa Thăng Long” tổ chức đầu năm 2024, nhà thiết kế Phạm Trần Thu Hằng đã đưa nghệ thuật múa rối và những loại hình nghệ thuật truyền thống khác vào trang phục.

Trong điện ảnh có phim điện ảnh kinh dị “Cám” với những bộ cổ phục chọn lựa phù hợp, đưa khán giả trở về thời phong kiến để thấy rõ trang phục cung đình, quý tộc và tầng lớp bình dân. Cổ phục là một trong những tiêu chí đầu tiên để đánh giá thành công cho một bộ phim cổ trang, và “Cám” đã thành công khi thu về 117 tỷ đồng chỉ sau 20 ngày công chiếu.

trien-vong-sang-tao-tu-mach-nguon-van-hoa-dan-toc-1.png
Trang phục binh lính trong phim kinh dị 'Cám'.

Sự thành công ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khi kết hợp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống là không cần bàn cãi, song cũng đồng thời đặt ra câu hỏi: Đó là sáng tạo hay chỉ là một nửa sáng tạo?

Là người trong cuộc, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang cho rằng sáng tạo trên nền chất liệu dân gian không phải là “một nửa sáng tạo”. Kết hợp trong nghệ thuật không phải “bê nguyên xi” cái có sẵn vào tác phẩm, mà chắt lọc, tìm cái tinh túy đưa lên một tầm cao mới để khán giả thấy được cái hay, cái đẹp của cái cũ trên tinh thần cái mới.

“Ở lĩnh vực nào cũng vậy, luôn cần các nghệ sĩ dấn thân cho những sáng tạo mới, dám đi con đường đầy thử thách để tạo nên các không gian mới. Âm nhạc truyền thống cũng thế, không thể đưa nguyên làn điệu cũ rồi nói đó là mới, cũng không thể đem một cái mới không liên quan tinh cốt dân gian để khẳng định nó là di sản”, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang khẳng định.

Ông Nguyễn Việt Nam – nhà sáng lập Tired City về hoạt động hỗ trợ và phát triển nghệ thuật sáng tạo, cho rằng văn hóa dân gian trong góc nhìn mới, câu chuyện mới, cách thể hiện mới không chỉ tác động khiến công chúng thêm yêu lịch sử, văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra những sản phẩm đặc sắc, định hình văn hóa Việt Nam cách rõ nét nhất trong thời hội nhập.

Để trả lời câu hỏi việc sử dụng chất liệu dân gian chỉ là xu hướng nhất thời hay là vòng lặp có tính tất yếu? Talkshow chủ đề “Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo” thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra vào ngày 10/11 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Với góc nhìn và quan điểm của các chuyên gia, sẽ lý giải cặn kẽ xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong lịch sử và vì sao ở thời điểm này khai thác văn hóa dân gian trở thành xu hướng trong sáng tạo?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Viêm quanh móng - chín mé

GD&TĐ - Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé.