Tổng thống Ukraine liên tục có cuộc gặp với Giáo hoàng ở Rome trong lịch trình bận rộn của mình, mở ra kỳ vọng về một cuộc gặp cấp cao Nga - Ukraine tại Tòa thánh Vatican.
Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ tháng 5, đến ngày 10/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại có mặt ở Rome để có cuộc gặp riêng với Giáo hoàng Leo XIV trước thềm hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine. Lần này cuộc gặp diễn ra tại nơi ở mùa Hè của Giáo hoàng tại Castel Gandolfo, ngoại ô Rome, chứ không phải Tòa thánh Vatican như lần trước.
Nội dung chính trong cuộc gặp là việc hai bên khẳng định tầm quan trọng của đối thoại như phương thức ưu tiên để chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm. Trong đó đáng chú ý nhất là việc Tổng thống Zelensky và Giáo hoàng Leo XIV cùng bàn về khả năng Tòa thánh Vatican đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Giáo hoàng Leo XIV nhắc lại thiện chí sẵn sàng đón đại diện ở cấp lãnh đạo của Nga và Ukraine đến Vatican đàm phán. Sau những vòng đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ không thu được nhiều kết quả như mong đợi, Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định đề xuất Tòa thánh Vatican tổ chức cuộc gặp cấp cao Nga - Ukraine là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, trái với quan điểm hào hứng của Ukraine cũng như sự sẵn sàng của Vatican trong việc đứng ra làm trung gian hòa giải, phía Nga hiện vẫn tỏ ra không mặn mà với địa điểm đàm phán này. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow bác bỏ đề xuất chọn Vatican vì nơi này không phù hợp.
Một trong những lý do chính mà Nga viện dẫn là việc Tòa thánh Vatican là cơ quan quyền lực trung tâm của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine lại đều là hai quốc gia theo Chính thống giáo Đông Phương, mặc dù cùng tôn thờ chúa Jesus nhưng là hệ phái Kitô giáo khác với Giáo hội Công giáo Rome.
Tuy vậy, Vatican vẫn đang nổi lên như một địa điểm đàm phán đầy tiềm năng cho Nga và Ukraine vì vị thế đặc biệt của tòa thánh, cũng như sự sẵn sàng làm trung gian hòa giải của tân Giáo hoàng Leo XIV. Theo giới phân tích, trong bối cảnh địa điểm đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua không thu được kết quả như mong muốn thì Vatican có thể trở thành địa điểm đầy tiềm năng thay thế.
Tuy nhiên, việc chọn địa điểm đàm phán không phải là yếu tố quyết định hay tác động quá lớn đối với việc giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay. Chính bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng nhiều lần tự tin có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột chỉ trong thời gian ngắn, gần đây đã phải thừa nhận cuộc chiến khó giải quyết hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.
Sau khi thay đổi chính sách so với người tiền nhiệm là ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine để buộc đồng minh này phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga, gần đây ông Trump lại có dấu hiệu xoay chiều chính sách. Hôm 7/7 vừa qua, ông bất ngờ tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine để giúp nước này có khả năng tự vệ do hứng chịu các đợt tấn công dữ dội từ phía Nga những ngày gần đây.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine những loại vũ khí nào nhưng nhiều khả năng đó là các loại vũ khí phòng thủ, trong đó Kiev kỳ vọng sẽ được nhận hệ thống phòng không Patriot tối tân để đối phó với Nga.
Nếu việc viện trợ vũ khí này được nối lại như kỳ vọng của Ukraine, cuộc xung đột sẽ còn khó lường hơn và những điểm đến đàm phán như Vatican cũng chỉ là một trong những lựa chọn không có nhiều ý nghĩa quyết định về kết thúc chiến sự.