Tăng thu nhập nhờ chanh leo
Gia đình ông Bàn Văn Sơn ở thôn Đặng Hóa (Hóa Sơn) là người tiên phong đưa cây chanh leo về trồng trên diện tích đất vườn.
Ông Sơn chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, nhưng qua nhiều năm, đất bị bạc màu nên chất lượng ngô giảm, năng suất thấp. Bên cạnh đó, do khí hậu lạnh, mùa đông thường xảy ra sương muối nên cả năm chỉ trồng được 1 vụ ngô, vì vậy mà hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bấp bênh…”
Năm 2022, ông Sơn và một số hộ dân ở xã Hóa Sơn được đi tham quan mô hình trồng cây chanh leo ở Hướng Hóa, Quảng Trị. Nhận thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất giống với vùng đất Hóa Sơn và được sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Hợp (Hướng Hóa, Quảng Trị) nên ông đã mạnh dạn vận động các tổ viên trong HTX nông nghiệp Hóa Sơn cùng trồng chanh leo theo tiêu chuẩn VietGap.
Ông Bàn Văn Sơn thôn Đặng Hóa phấn khởi khi chanh leo được mùa. |
Vườn chanh leo của gia đình ông Sơn có 110 gốc, ông được dự án VFBC tỉnh Quảng Bình phối hợp với tổ chức Helvetas Việt Nam, đơn vị trực tiếp thực hiện tiểu hợp phần 6 “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng” hỗ trợ 100% cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo. Ông Sơn đầu tư thêm gần 10 triệu đồng để mua cọc bê tông, dây thép, cọc tre, phân bón.
Trong quá trình trồng ông Sơn thực hiện đúng kỹ thuật từ việc làm đất, đào hố, trồng đúng khoảng cách đến bón phân, cắt tỉa lá, nhờ đó diện tích chanh leo của gia đình anh phát triển tốt, sai quả.
Dự kiến cuối tháng 6, gia đình ông sẽ thu hoạch vụ quả chanh leo đầu tiên. Theo tính toán, mỗi năm 1 gốc chanh leo sẽ cho thu hoạch khoảng 50kg quả. So với trồng ngô thì cây chanh leo thu nhập gấp 5 lần. Dưới tán chanh leo, ông Sơn tận dụng đất để trồng lạc, năng suất đạt cũng rất cao.
Ông Bàn Văn Sơn chăm sóc tỉ mỉ cho cây chanh leo. |
Sau gia đình ông Sơn, có 18 hộ dân ở thôn Đặng Hóa (HTX nông nghiệp Hóa Sơn) cũng đã chuyển đổi đất trồng ngô, trồng sắn sang trồng cây chanh leo. Các hộ này cũng được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng từ dự án VFBC tỉnh Quảng Bình. Tổng 19 hộ dân trồng 2.400 cây chanh leo, tương đương trên 2ha.
Ngoài ra, một số hộ khác ở xã Hóa Sơn cũng đã chuyển đổi đất ngô, đất lạc, đầu tư mua cây giống chanh leo về trồng. Hiện các vườn chanh leo đều phát triển tốt, ít sâu bệnh và rất sai quả.
Thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập
Vừa qua, Ban quản lý dự án VFBC đã tổ chức hội thảo đầu bờ, chia sẻ kinh nghiệm trồng cây chanh leo tại xã Hóa Sơn, tại đây có rất nhiều hộ dân ở các xã Hóa Hợp, Xuân Hóa, Hóa Thanh, Thượng Hóa ...của huyện Minh Hóa tham gia học tập.
Theo gia hội thảo, Bà Lê Thị Huệ, giám đốc HTX nông Tân Hợp ở Quảng Trị đánh giá cây chanh leo ở xã Hóa Sơn phát triển rất tốt, cây khỏe, không sâu bệnh, lượng quả nhiều và to, có vị chua ngọt đậm đà, tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu qua thị trường các nước Châu Âu, Trung Quốc chiếm trên 70%.
HTX này cũng cam kết thu mua với giá được điều chỉnh theo giá thị trường. Giá dao động hiện nay từ 15.000đ - 35.000đ/kg. Do đó bà con trồng chanh leo ở Hóa Sơn rất yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Đất trồng ngô được người dân chuyển đổi sang trồng cây chanh leo. |
Ông Đinh Văn Quỳnh, Phó chủ tịch UBND xã Hóa Sơn nói: Hóa Sơn và xã có diện tích đất nông nghiệp khá nhiều, bà con chủ yếu trồng cây ngô và lạc. Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cộng với được sự hỗ trợ của dự án VFCB, xã đã mạnh dạn vận động bà con nhân dân đưa cây chanh leo vào trồng trên cơ sở đất trồng ngô và lạc, và sẽ dần thay thế cây lạc bằng cây chanh leo.
Đến thời điểm này, cây chanh leo đã cho ra quả và khẳng định cây chanh leo phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Để cây chanh leo phát triển bền vững, xã Hóa Sơn sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ bà con về cây giống, kỹ thuật để nhân rộng diện tích trồng chanh leo, đồng thời xác định vùng trồng để quy hoạch địa điểm chuyên canh cây chanh leo, kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người dân thực sự yên tâm sản xuất.
Cây chanh leo cho thu hoạch liên tục từ 8-10 tháng trong năm, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha. Mỗi cây chanh leo thu hoạch từ 4-5 năm mới phải trồng lại. Hiện huyện Minh Hóa đang khảo sát để nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó mở ra một hướng đi phù hợp thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.