Đây là một trong những quy chuẩn cho cơ sở dữ liệu toàn ngành để liên thông dữ liệu với Chính phủ và các cơ sở giáo dục, triển khai có hiệu quả hệ thống ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT.
Cấu phần nền tảng cho các nhiệm vụ trọng tâm
Quy định này được Bộ GD&ĐT ban hành tại Quyết định số 1904/QĐ-BGD&ĐT ngày 4/7/2019 nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ; Hướng dẫn tại thông tư số 25/2014/TT-BTTTT ngày 30/12/2014 về việc triển khai các hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, đây cũng là cấu phần nằm trong kiến trúc - Kế hoạch tổng thể của Bộ GD&ĐT triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và các Chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT khác của Bộ triển khai thực hiện chủ trương ứng dụng CNTT của Chính phủ.
Cụ thể, Kế hoạch tổng thể của Bộ GD&ĐT gồm: Ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ của Bộ GD&ĐT; Ứng dụng CNTT trong quản lý ngành; Ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; Hạ tầng, thiết bị và an toàn thông tin; Nguồn nhân lực sử dụng CNTT; Chính sách ứng dụng CNTT.
Mô hình giải pháp Trung tâm điều hành giáo dục. Ảnh: Việt Hà |
Cấu phần ứng dụng CNTT trong quản lý ngành gồm: Hệ thống dùng chung toàn ngành, hệ thống dùng ở các cơ sở. Trong đó, hệ thống dùng chung toàn ngành là các giải pháp giúp thực thi công tác quản lý ngành có hiệu quả thông qua việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu toàn ngành về GD&ĐT nhằm cung cấp thông tin quản lý giáo dục cho các các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, đầy đủ, chính xác, kịp thời. Quyết định số 1904 sẽ là nền tảng để ngành GD&ĐT chuẩn hóa thông tin từ cơ sở đến các cấp quản lý giáo dục.
Những khó khăn từ thực tế cơ sở
Theo ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, hiện cơ sở dữ liệu giáo dục tại các địa phương đang không đồng bộ về nền tảng, có nhiều khác nhau về các phần mềm ứng dụng ở các địa phương. Đây là thực trạng phổ quát trên cả nước, gây nhiều khó khăn cho công tác kết nối dữ liệu toàn ngành, liên thông đồng bộ dữ liệu ngành từ cơ sở đến Bộ GD&ĐT.
Việc Bộ GD&ĐT ban hành chuẩn dữ liệu và hướng dẫn kết nối với cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sẽ giúp các cơ sở giáo dục dễ dàng kết nối, chia sẻ và trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu của Bộ, công tác báo cáo, thống kê của Ngành sẽ đơn giản và thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, ông Tô Hồng Nam nhấn mạnh: Giải pháp phần mềm giáo dục của các nhà cung cấp tới đây phải đáp ứng được các yêu cầu trên. Cục Công nghệ thông tin sẽ công khai danh sách các phần mềm đã đáp ứng chuẩn dữ liệu và kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu của Bộ để các cơ sở giáo dục nghiện cứu lựa chọn sử dụng.
Giải pháp tổng thể
Trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ và toàn diện trong công tác quản lý điều hành ngành giáo dục và đào tạo phục vụ mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ GD&ĐT đã tạo nhiều cơ chế, chính sách để các nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp CNTT đáp ứng các nhiệm vụ, kế hoạch CNTT.
Ông Trần Mạnh Hà đang hỗ trợ giáo viên Trường Tiểu học 1-5 Thị trấn Vị Xuyên (Hà Giang) về ứng dụng phần mềm tin học trong quản trị nhà trường. Ảnh: Việt Hà |
Với thế mạnh là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông & CNTT lớn tại Việt Nam, đặc biệt, là đơn vị triển khai mạng giáo dục Việt Nam - VnEdu đến trên 13000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã và đang xúc tiến xây dựng, cung ứng giải pháp toàn diện cho các yêu cầu, nhiệm vụ triển khai chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về triển khai Quyết định 1904/QĐ-BGD&ĐT (về Quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về GDMN và GDPT).
Theo ông Trần Mạnh Hà - Đại diện của VNPT, việc Bộ GD&ĐT ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu về hệ thống CSDL ngành là thực sự cần thiết, VNPT đã sẵn sàng tham gia hợp chuẩn kết nối đóng góp vào xây dựng Cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về giáo dục đào tạo. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp;
Phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo VNPT đã triển khai hệ sinh thái mạng giáo dục Việt Nam vnEdu với các phân hệ ứng dụng CNTT: các hệ thống phần mềm phục vụ quản lý điều hành (trong đó bao gồm hệ thống giám sát, điều hành giáo dục), các hệ thống phần mềm hỗ trợ dạy và học và các hệ thống phần mềm tích hợp khác.
Hiện nay, việc liên thông chia sẻ dữ liệu liên cấp liên ngành là rất cần thiết, việc Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định kỹ thuật về dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sẽ được các địa phương và các cơ sở giáo dục hoan nghênh và ủng hộ bởi quy định kỹ thuật này sẽ giúp các cơ sở giáo dục giảm bớt được các yêu cầu về cập nhật và báo cáo số liệu bằng tay như trước đây.
Với tiện ích của trục kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu quốc gia VDXP do Văn phòng Chính phủ làm chủ trì, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục sẽ được khai thác đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm…
Dựa trên cơ sở dữ liệu hệ thống, với xu thế ứng dụng công nghệ 4.0, VNPT phát triển các tiện ích, công cụ tính toán trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để các cấp quản lý giáo dục dựa vào đó có thể làm bài toán xác xuất thống kê, dự báo chính xác quy mô học sinh từng cấp học, hiện trạng thừa thiếu giáo viên để từ đó xây dựng kế hoạch giáo dục trong trung, dài hạn;
Hoặc như việc xây dựng kho đề trắc nghiệm, đánh giá, đo lường năng lực học sinh, phân tích kết quả bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, đánh giá để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, kế hoạch, hoạt động giáo dục sao cho phù hợp nhất với điều kiện của địa phương. Các công tác này không phải là mới nhưng trước đây và hiện tại đang được thực hiện với theo phương thức thống kê truyền thống, mất nhiều thời gian, công sức để thu thập dữ liệu, tính toán, dự báo và điều chỉnh kế hoạch.
Với những giải pháp của VNPT có thể giải quyết các bài toán đồng bộ dữ liệu hiện có trong các cơ sở giáo dục mà không phải nhập liệu hay thay thế các ứng dụng nào khác; Khắc phục tình trạng cơ sở giáo dục phải một lần nữa bỏ tiền đầu tư xây dựng, nâng cấp phần mềm CNTT, giảm áp lực ngân sách nhà nước mà vẫn phát huy hiệu quả.