Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện quyền trẻ em

GD&TĐ - Sáng 24/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì cuộc họp với Cục Trẻ em, Hội Chữ thập đỏ, Trung ương Đoàn TNCS HCM về công tác trẻ em.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu và chủ trì cuộc làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu và chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH); đại diện Hội Chữ thập đỏ, Trung ương Đoàn TNCS HCM; lãnh đạo Vụ Giáo dục Thể chất, Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên thuộc Bộ GD&ĐT.

Phối hợp chặt chẽ giữa các bên

Ông Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo quyền của trẻ em ngày càng được thực hiện đầy đủ và phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Luật Trẻ em.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, tham mưu xây dựng hai dự thảo Luật Nhà giáo, Luật học tập suốt đời để trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng một dự thảo nghị định quy định chính sách cho học sinh, sinh viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách;

Ban hành Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/10/2023 hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai của các cơ sở giáo dục cũng như việc đánh giá, kiểm tra về trường học an toàn trong thời gian tới.

Đại diện một số vụ chức năng của Bộ GD&ĐT tại cuộc họp.

Đại diện một số vụ chức năng của Bộ GD&ĐT tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo triển khai hiệu quả các đề án, chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt liên quan đến quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em như Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 – 2030” theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022;

Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017; Chương trình “sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021...

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐTBXH về phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến năm 2025 theo Kế hoạch liên tịch số 5533/KH-BLĐTBXH-BGDĐT ngày 19/12/2019; phối hợp kiểm tra, đánh giá công tác triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành số 2236/QCPH – LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023 về phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Phối hợp với Đoàn TNCS HCM xây dựng môi trường giáo dục nền nếp, kỷ cương và tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh như: Kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng giao tiếp - ứng xử, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT các địa phương tổ chức hưởng ứng “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”; phối hợp cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Chương trình “Ghép đôi trăng tròn” nhằm vận động chung tay ủng hộ nguồn lực để hỗ trợ trẻ em nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được vui Tết Trung thu...

Những định hướng quan trọng

Các đại biểu dự cuộc họp nghe ý kiến từ lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu dự cuộc họp nghe ý kiến từ lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT.

Cũng theo đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, bước sang năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; duy trì và mở rộng các trường bán trú và dân tộc nội trú.

Triển khai việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục lối sống văn hóa, rèn luyện đạo đức cho học sinh. Tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, năng lực, sự phát triển của trẻ em.

Tăng cường phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền và bổn phận của trẻ em cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; thực hiện chính sách, pháp luật và áp dụng biện pháp trợ giúp giáo dục phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật...

Chia sẻ tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) khẳng định, vai trò của ngành Giáo dục trong việc thực thi các chính sách liên quan đến trẻ em là vô cùng quan trọng. Nhiều địa phương đã triển khai mô hình đối thoại trường học với sự tham gia của học sinh, phụ huynh và thầy cô (bao gồm cả lãnh đạo nhà trường, Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn trường).

Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu tham dự cuộc họp chụp ảnh lưu niệm.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng rất cần sự chung tay của cả Bộ GD&ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an và nhiều bộ ngành khác. Ngành Giáo dục tới đây cần có những hướng dẫn cụ thể để học sinh, trẻ em được trang bị thêm nhiều kỹ năng, kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, tổ chức UNICEF tại Việt Nam đã có sự ghi nhận, đánh giá cao về lĩnh vực giáo dục trẻ em của nước ta nói chung, sự phối hợp giữa UNICEF với Bộ GD&ĐT nói riêng. Nhiều tổ chức quốc tế đã đồng hành với Bộ GD&ĐT để học sinh, trẻ em được phát triển toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mĩ.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong các bộ/ngành, vụ/cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em. Bộ GD&ĐT cần hiểu kỹ các đầu việc để tăng tính kết nối giữa các cục/vụ và đơn vị về trách nhiệm của mình trong từng giai đoạn và phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội Chữ thập đỏ và các bên liên quan.

"Thời gian vừa qua, tổng đài 111 của Bộ LĐTBXH đã phát huy được tác dụng tích cực trong việc lắng nghe ý kiến, tâm tư, suy nghĩ của trẻ em. Về vấn đề đối thoại trường học, Trung ương Đoàn TNCS HCM cần tiếp tục phối hợp với Vụ Giáo dục Thể chất để tổ chức sinh hoạt đoàn/đội cho học sinh; lồng ghép hoạt động đối thoại cho học sinh, thầy cô và phụ huynh một cách phù hợp với từng đơn vị", Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.