Thực hiện quyền trẻ em: Thiếu đồng đều

GD&TĐ - Vai trò, trách nhiệm của gia đình về quyền trẻ em được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nhưng việc triển khai thực hiện vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương. Có nơi làm tốt, có nơi chưa “mặn mà”.

Dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Ảnh minh hoạ: TG.
Dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Ảnh minh hoạ: TG.

Thúc đẩy quyền trẻ em

Tính đến ngày 15/5/2021, Quảng Ninh có hơn 325 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Theo ông Nguyễn Hoài Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, các sở, ngành, địa phương đã đề xuất HĐND tỉnh ban hành một số văn bản, nghị quyết về chính sách đặc thù riêng nhằm hỗ trợ trẻ em về y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội...

Giai đoạn 2012 - 2021, tỉnh Quảng Ninh bố trí trên 1.600 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh; hơn 38,6 tỷ đồng từ ngân sách cấp huyện để thực hiện chương trình hành động vì trẻ em. Đến hết năm 2021 có trên 74.200 lượt trẻ em được hỗ trợ, trong đó có gần 70 nghìn trẻ em được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh, 90% trẻ dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khu vui chơi cho trẻ. Toàn tỉnh hiện có 61 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí cấp xã dành cho trẻ em. Trên 1.500 thôn, khu phố có nhà văn hóa vui chơi tại chỗ cho trẻ.

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em. Bà Đặng Hương Lan - Phó Trưởng ban Thanh thiếu nhi Trường học Tỉnh đoàn Quảng Ninh cho biết: Mô hình là hướng đi, cách làm mới đem lại hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình. Trong đó có những kiến nghị xuất phát từ cuộc sống, học tập, rèn luyện, vui chơi và giải trí. Mô hình này cũng là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Trên cơ sở đó, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HĐND, UBND tỉnh tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả.

Cũng từ đó mà mỗi gia đình, người dân có hiểu biết về quyền và các chế độ chính sách nói chung và việc bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em nói riêng.

Trong giai đoạn 2012 - 2021, có hơn 18 nghìn hộ gia đình ký cam kết đạt ngôi nhà an toàn; trên 27.400 lượt người lớn, trẻ em được truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cứu trẻ đuối nước. Các trường học đều ký cam kết an toàn giao thông, dạy bơi miễn phí cho gần 6 nghìn trẻ từ nguồn ngân sách tỉnh và 40 nghìn trẻ từ nguồn xã hội hóa. Đáng chú ý, tại các địa phương trong tỉnh, đường dây bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hoạt động hiệu quả, hỗ trợ cho nhiều trường hợp dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có những gia đình, phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến con cái. Ông Nguyễn Cao Cường - Phó Bí thư Đoàn xã Liên Mạc (Mê Linh, Hà Nội) cho hay: Do cơ chế thị trường nên nhiều gia đình tập trung làm kinh tế, không mấy mặn mà với chương trình, hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức. Có không ít chương trình, hoạt động rất cần sự phối hợp của gia đình mới mang lại hiệu quả cao như: Phòng chống tai nạn, thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em hoặc các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí… Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn đứng ngoài cuộc và phó mặc cho Đoàn Thanh niên và đoàn thể khác tự biên tự diễn.

“Gia đình là trường học đầu tiên giúp trẻ phát triển toàn diện. Bố, mẹ, người thân có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách của các em. Vì thế, chúng tôi vẫn trăn trở, làm thế nào để thu hút, lôi kéo được đông đảo gia đình tham gia vào hoạt động cộng đồng, nhất là nội dung hướng đến thanh thiếu niên nhi đồng của địa phương. Thông qua những hoạt động đó, sẽ rút ngắn khoảng cách giữa bố mẹ và con cái”, ông Cường bộc bạch.

Nhiều địa phương, gia đình quan tâm đến quyền trẻ em. Ảnh minh hoạ: TG.

Nhiều địa phương, gia đình quan tâm đến quyền trẻ em. Ảnh minh hoạ: TG.

Bảo vệ quyền trẻ em

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, vai trò, trách nhiệm của gia đình về quyền trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng được thể hiện tại Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Đây là văn kiện quan trọng nhất về quyền trẻ em trong hệ thống pháp luật quốc tế. Công ước có tính nhân văn sâu sắc, đề cập một cách toàn diện về quyền trẻ em và trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Nhắc lại một trong những nội dung quan trọng của Công ước, bà Mai viện dẫn: Điều 18 Công ước khẳng định, cả cha và mẹ đều có trách nhiệm chung trong việc nuôi dưỡng và phát triển trẻ em. Cha, mẹ hay tùy trường hợp có thể là người giám hộ pháp lý có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dưỡng, phát triển trẻ em.

Đề cập đến phòng chống bạo lực, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao.

“Thời gian gần đây, có nhiều vụ việc gây ra hậu quả nghiêm trọng” - Đại biểu Mai Thoa trăn trở, đồng thời khẳng định: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai, cũng như xây dựng gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.

Theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nguyên tắc xuyên suốt, được xác định trong các văn bản của Đảng, khẳng định trong Luật Trẻ em và cần tiếp tục thể hiện trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trẻ em, trong phạm vi điều chỉnh của Luật này là một trong những đối tượng yếu thế, người bị bạo lực, có đặc điểm chưa phát triển hoàn thiện, sống phụ thuộc, khả năng tự bảo vệ và nhận thức về bạo lực gia đình còn hạn chế. Trẻ em thậm chí còn yếu thế hơn những đối tượng yếu thế khác trong gia đình nên cần được xác định là chủ thể đặc thù để có nguyên tắc cũng như có hệ thống các quy định riêng, xuyên suốt trong dự thảo Luật.

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai, các gia đình phải bảo vệ trẻ em khỏi tất cả hình thức bạo lực về thể chất hoặc tinh thần, bị tổn thương hay bị lạm dụng; bỏ mặc hoặc chăm sóc sao nhãng, bị ngược đãi hoặc bóc lột, gồm cả lạm dụng tình dục trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng tay chăm sóc của cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.