Tuy nhiên, để chuẩn bị triển khai CTGDPT mới, từ năm học 2020 - 2021, ngành GD-ĐT đã sớm chủ động chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng yêu cầu. Ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà chia sẻ với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề này.
+ Ông có thể khái quát "bức tranh" giáo dục địa phương trước "thềm" triển khai CTGDPT 2018?
- Giáo dục Bắc Hà luôn ưu tiên các nguồn lực đầu tư và có sự đồng thuận của nhân dân trong các hoạt động đổi mới giáo dục. Đến nay, quy mô trường lớp đã sắp xếp, quy hoạch theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu người học. Toàn huyện có 66 trường, 1 trung tâm GDHN - GDTX với tổng số 821 lớp, trên 20 nghìn HS.
Chất lượng giáo dục toàn diện nhiều chuyển biến; tỉ lệ huy động HS trong độ tuổi ra lớp ở các cấp học đạt 99,8% trở lên. Phổ cập giáo dục TH và THCS được củng cố, duy trì và nâng cao. Đội ngũ GV đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ cho GV và nhà ở bán trú cho HS được quan tâm đầu tư. Đến nay toàn huyện có 31/45 trường đạt chuẩn quốc gia.
Các trường PTDTBT phát triển, trở thành nòng cốt của giáo dục vùng cao. Các chính sách ưu tiên hỗ trợ cho GV và HS được triển khai kịp thời. Công tác XHH giáo dục đạt nhiều kết quả…
Với những điều kiện như vậy, việc triển khai CTGDPT mới được đánh giá có tính khả thi cao tại Bắc Hà.
+ Chất lượng và số lượng GV luôn là vấn đề "nan giải" tại nhiều địa phương vùng khó khi bước vào triển khai CTGDPT mới. Ngành GD-ĐT Bắc Hà đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?
- Hàng năm căn cứ kế hoạch phát triển GD-ĐT của ngành, các chỉ tiêu biên chế về đội ngũ được giao, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT triển khai tới các đơn vị trường học để CB, GV có nhu cầu tham gia đào tạo nâng cao trình độ. Từ đó UBND huyện quyết định cử CB, GV tham gia ôn tập, dự thi và tham gia học tập; CB, GV được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quy định.
Hiện, GV toàn huyện có 1.860 biên chế (thiếu 22 chỉ tiêu được giao năm 2020). Tỉ lệ GV/lớp ở bậc MN đạt 1,86; Tiểu học đạt: 1,56; THCS đạt: 1,92; THPT đạt 2,14. Cơ cấu bộ môn đối với GV tiểu học và THCS cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy ở tất cả các bộ môn theo khung phân phối chương trình.
Đối với các đơn vị trường có quy mô nhỏ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện thực hiện phương án tăng cường GV dạy liên trường hay theo cụm trường để khắc phục tình trạng thiếu GV theo cơ cấu bộ môn…
Trong công tác tập huấn, bồi dưỡng GV, Phòng GD&ĐT đã ban hành kế hoạch tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, chuyên đề cho 100% CB, GV trong hè theo quy định.
Đặc biệt, để chuẩn bị triển khai CTGDPT mới, Phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và thành lập các tổ GV cốt cán triển khai ở các cấp học. Tổ chức cho CB, GV tham gia bồi dưỡng theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Kết quả, các trường trên địa bàn huyện đã cử 404 CB, GV tham gia bồi dưỡng.
Cấp tiểu học có 310 CBQL, GV tham gia bồi dưỡng cấp tỉnh, trong đó 100% GV dạy lớp 1 được tham gia bồi dưỡng. Cấp THCS, có 80 GV cốt cán các môn tham gia tập huấn theo dự án của Bộ GD&ĐT. Cấp THPT có 14 CB, GV tham gia tập huấn.
Nhìn chung, đội ngũ CBQL, GV của huyện hiện cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nên bảo đảm để thực hiện CTGDPT mới vào năm học 2020 - 2021.
+ Việc rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng cơ sở vật chất, số lượng cơ cấu chất lượng GV đáp ứng yêu cầu mới là "cách làm" hiệu quả để triển khai CTGDPT mới. Với giáo dục Bắc Hà thì sao?
- Ngành GD-ĐT Bắc Hà đã rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp học phù hợp với yêu cầu đổi mới CTGD. Chính vì vậy, quy mô mạng lưới trường lớp đã được sắp xếp, quy hoạch theo hướng tinh gọn, hợp lý, nâng tỉ lệ HS/lớp, đáp ứng nhu cầu học tập. 5 năm qua ngành đã sáp nhập được 8 điểm trường, xóa 18 điểm trường, đưa 564 HS về học tại trường chính…
Ngoài ra, để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho CTGDPT mới, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, nắm bắt thực trạng cơ sở vật chất của trường, trên cơ sở đó kịp thời bổ sung phần còn thiếu. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình, bố trí ngân sách đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp phòng học, các công trình phục vụ học tập, sinh hoạt cho các trường học…
Trong vòng 5 năm gần đây, Bắc Hà đã đầu tư, xây dựng mới 187 phòng học; nâng cấp 331 phòng học, 37 phòng bộ môn; 101 phòng GV, 160 phòng ở HS bán trú; 116 công trình nhà vệ sinh; 58 công trình nhà bếp, nhà ăn; trang cấp mới 13 phòng tin học với 560 máy tính trị giá 151 tỷ đồng.
Năm học 2020 - 2021, để bảo đảm đủ thiết bị dạy học, ngành GD-ĐT Bắc Hà đã tiến hành rà soát, tổng hợp, nhu cầu mua sắm thiết bị tối thiểu cho lớp học là 110bộ/110 lớp, thiết bị tối thiểu cho HS lớp 1 là 1684 bộ/môn học.
+ Qua trao đổi của ông cho thấy, ngành GD-ĐT Bắc Hà đã tích cực, chủ động chuẩn bị triển khai CTGDPT mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa không còn tồn tại phải khắc phục, điều chỉnh?
- Thẳng thắn nhìn nhận, đối với giáo dục vùng cao Bắc Hà còn không ít khó khăn. Trước hết, do đặc thù riêng nên phụ huynh HS còn thiếu quan tâm đến việc học của con em cũng như việc đổi mới, thay đổi CTGDPT. Do đó, sự tham gia ý kiến, góp ý để triển khai còn hạn chế.
Mặt khác, một số trường học chưa đáp ứng được yêu cầu, diện tích nhỏ hẹp nhưng lại không có điều kiện mở rộng. Cơ sở vật chất phục vụ HS bán trú vẫn cần ưu tiên, đầu tư….
Về đội ngũ, số lượng biên chế GV cơ bản đảm bảo tuy nhiên một số môn học mới chưa có GV đào tạo chính quy để giảng dạy. Một số GV còn tư tưởng ngại đổi mới, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế…
Để khắc phục những khó khăn này, ngành GD-ĐT Bắc Hà một mặt tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội đối với giáo dục. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Tổ chức đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS; tiếp thu những phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại, phát triển các mô hình dạy học hiệu quả…