Triển khai chương trình – sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Chủ động “chạy đà”

GD&TĐ - Các trường học chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá với mong muốn tạo đà cho cả GV và HS bắt nhịp với đổi mới chương trình – sách giáo khoa.

Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) trong buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề Chúng em là chiến sĩ nhỏ. Ảnh:TG
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) trong buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề Chúng em là chiến sĩ nhỏ. Ảnh:TG

Hướng tới phát triển năng lực học sinh

Trong tiết dạy bài Thánh Gióng, nhóm GV Ngữ văn lớp 6, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã linh hoạt trong tổ chức các hoạt động. Ngoài chia theo nhóm để thảo luận rồi cử một HS đại diện nhóm trình bày trước lớp, GV còn sử dụng “kỹ thuật trình bày 1 phút” với những câu hỏi dành cho hoạt động cá nhân. 

Để hướng dẫn HS tìm hiểu bố cục của truyện, GV sắp xếp tranh minh họa thành 4 nhóm tương đương với 4 đoạn truyện và yêu cầu HS quan sát tranh để chia bố cục, nêu ý chính của mỗi phần. Ở phần luyện tập, HS được yêu cầu viết vào phiếu một đoạn văn ngắn phát biểu cảm nghĩa về một hình ảnh mà em cho là đẹp nhất của Thánh Gióng. 

Dạy học theo hướng phát triển năng lực HS được Trường THCS Nguyễn Huệ chú trọng bồi dưỡng và triển khai cho GV thực hiện. “Trong dự gờ, thao giảng, cũng phải thay đổi cách thức đánh giá, nhận xét, không chỉ chú trọng đến đơn vị kiến thức mà còn phải xem việc GV tổ chức các hoạt động như thế nào để phát triển năng lực HS” – thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Từ vài năm nay, Trường THCS Nguyễn Huệ chủ trương đẩy mạnh các giờ học theo hướng tích hơp – liên môn gắn liền với hoạt động trải nghiệm – sáng tạo. Như với bài Giâm cành ở môn Công nghệ lớp 6, HS tự tạo được cây mới từ cành các loại cây như rau lang, ngót, mồng tơi, cây trường sinh… trong các khay nhựa, hộp xốp, hay tận dụng vỏ chai nhựa để thực hành trong giờ học ở lớp.

HS sau đó có thêm bài tập về nhà, bằng cách tự làm giá thể, chọn hom giống để giâm cành; cách bón phân thúc cho cây phát triển… Các em chụp một số hình ảnh hoặc quay clip về quá trình phát triển của cành giâm sau 3 ngày, 7 ngày, 14 ngày và khi thu hoạch được. Những hình ảnh, clip này sẽ được các nhóm trình bày báo cáo tại lớp về quá trình trải nghiệm, kết quả đạt được cũng như những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện. 

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, GV chủ nhiệm các lớp từ khối 2 – 5 của Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều thông báo với phụ huynh thời khóa biểu sẽ không ổn định trong suốt một học kỳ. Điều này bắt nguồn từ việc nhà trường triển khai dạy học theo chủ đề với một số môn học theo hướng tích hợp – liên môn. Có thể thời khóa biểu sau một tháng sẽ được xây dựng lại, tùy theo khối lượng kiến thức các chủ đề.

Cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai ví dụ: Các môn Tập làm văn, Tự nhiên - xã hội, Đạo đức trong tháng 9 có những kiến thức liên quan, cùng đề cập đến chủ đề gia đình, GV sẽ xây dựng lại nội dung bài dạy, có sự kết hợp giữa các môn học để HS có thêm thời gian luyện tập nhiều hơn. 

Theo cô Vi, để tổ chức dạy học theo chủ đề, đòi hỏi GV các bộ môn và toàn bộ GV trong tổ phải cùng ngồi lại, tìm các kiến thức có liên hệ với nhau để xây dựng kế hoạch dạy liên môn. “Năm đầu tiên, cả ban giám hiệu và GV phải thêm khối lượng công việc, nhưng đây là bước chạy đà để khi thay sách giáo khoa lớp 2, GV sẽ tránh được bỡ ngỡ và thuận lợi hơn trong soạn giảng”, cô Vi nhận định. 

Những tiết học không tường vách được Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai từ nhiều năm nay giúp GV và HS làm quen với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học.
Những tiết học không tường vách được Sở GD&ĐT Đà Nẵng triển khai từ nhiều năm nay giúp GV và HS làm quen với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. 

Đón đầu trong bồi dưỡng đội ngũ

Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức các khóa tập huấn về giảng dạy STEM, khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo cho GV các trường THCS, THPT trên địa bàn. Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Ngoài những kiến thức về khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, GV tham gia khóa tập huấn còn có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, được trang bị các phương pháp về khả năng làm việc nhóm, phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề…

Những kiến thức, kỹ năng và tư duy khởi nghiệp được trang bị từ khóa học cũng góp phần thúc đẩy việc đưa STEM – B (STEM – khởi nghiệp) vào giảng dạy trong trường phổ thông. Từ đó, hình thành cho HS khả năng vận dụng  kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hàng ngày cũng như tư duy thương mại hóa những ứng dụng, sản phẩm của STEM. Đây sẽ là nền tảng để công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho HS khi triển khai Chương trình – SGK mới hiệu quả và có chiều sâu. 

Bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chủ trương tăng cường các hoạt động ngoại khóa cũng như giờ học thực địa, thực nghiệm, mô hình trường học không tường vách… Nhà trường, tùy theo điều kiện cụ thể để phát triển chương trình lớp học ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên, chú trọng rèn luyện các kỹ năng cho HS (thể chất, kỹ năng xã hội, tự phục vụ, bảo vệ bản thân…).

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Tùy theo điều kiện cụ thể, chúng tôi khuyến khích nhà trường tổ chức học gắn với hành, tạo hứng thú cho HS bằng cách kết nối đưa các em tham gia với các đơn vị sản xuất, cơ quan xí nghiệp, bảo tàng, trung tâm khoa học thực nghiệm, trung tâm khoa học giáo dục quốc tế để tạo không khí học tập năng động. 

HS làm quen với hình thức tổ chức dạy học theo dự án, làm các bài tập có sản phẩm. Đây là những bước chuẩn bị nhằm giúp GV và HS làm quen với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình – sách giáo khoa mới lớp 2 và 6 cũng như lớp học khác trong thời gian tới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ