Triển khai chương trình mới tại trường tư thục cơ bản thuận lợi

GD&TĐ - Dù gặp một số khó khăn ban đầu nhưng việc triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới tại các trường tư thục cơ bản diễn ra thuận lợi.

Đoàn giám sát thăm các phòng học tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest.
Đoàn giám sát thăm các phòng học tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest.

Học sinh chủ động, tích cực

Ngày 10/3, Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest, Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc với nhà trường.

Báo cáo với đoàn công tác, cô Phạm Thị Hồng Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest cho biết: Là trường liên cấp, tư thục, nhà trường có nhiều thuận lợi trong triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới. Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại giúp học sinh có không gian để tham gia các hoạt động giáo dục thể chất và ngoài trời.

Gần 1.500 học sinh của trường ăn bán trú, học 2 buổi/ngày, với đầy đủ các phòng học bộ môn, chức năng như thư viện, phòng mỹ thuật, âm nhạc, tin học, phòng học bộ môn… Đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, giáo viên trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, được tuyển chọn kỹ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp dạy học, công tác chủ nhiệm.

Sau gần 3 năm triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới, học sinh có tiến bộ về năng lực và phẩm chất như: Chủ động, tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, có kỹ năng chia sẻ, hợp tác và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ở lớp, trường. Việc đánh giá kết quả học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 toàn diện hơn, học sinh phải cố gắng ở tất cả môn học.

Đoàn công tác tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường.
Đoàn công tác tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường.

Đánh giá về Chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện nhà trường cho biết: Đối với cấp tiểu học, chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa "dạy chữ", "dạy người" và định hướng nghề nghiệp.

Chương trình có tính khả thi cao, mức độ phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng. Việc cấu trúc, sắp xếp lại chương trình các môn học của từng khối lớp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên khi thực hiện. Ví dụ, môn Toán lớp 1 giảm xuống còn 3 tiết/tuần nhưng môn Tiếng Việt tăng thành 12 tiết/tuần, rất hợp lý để dạy học sinh đọc thông viết thạo và học tốt các môn học khác.

Đối với cấp trung học, chương trình được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết/năm cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Sách giáo khoa bám sát chương trình và có tính mở, tạo điều kiện cho nhà trường chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch nhà trường. Nội dung được sắp xếp mang tính tinh gọn, logic đáp ứng tinh thần đổi mới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhà trường cũng nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với cấp tiểu học, một số giáo viên còn bỡ ngỡ do đã quen với việc dạy theo sách giáo khoa nên ít chú ý đến chương trình. Còn không ít cha mẹ học sinh chưa quan tâm, chưa nắm được thông tin đầy đủ về chương trình mới cũng như cách đánh giá học sinh theo Thông tư 27 nên có biểu hiện lo lắng, so sánh chương trình cũ và chương trình mới gây áp lực cho học sinh và giáo viên trong quá trình thực hiện.

Với cấp THCS và THPT, các chương trình trải nghiệm, khoa học tự nhiên, tổ hợp môn Nghệ thuật là vấn đề mới với các trường và giáo viên trong quá trình thực thi. Cũng như nhiều đơn vị khác, nhà trường chưa bố trí đủ đội ngũ đã qua đào tạo các môn học mới, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhân sự và chất lượng giáo dục.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Kết quả ban đầu rất khả quan

Làm rõ hơn về quá trình triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới, đại diện giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các cấp học của trường đều khẳng định: Qua gần 3 năm thực hiện đối với lớp 1, gần 2 năm đối với lớp 2, 6 và năm đầu tiên với lớp 3,7,10 đã cho thấy những kết quả bước đầu khả quan.

Việc dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới giúp cán bộ quản lý và giáo viên nâng cao nhận thức, đổi mới nếp nghĩ, nếp làm việc, chủ động, linh hoạt sáng tạo hơn. Cán bộ quản lý và giáo viên đều xác định rõ việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 là bắt buộc và sách giáo khoa có thể linh hoạt lựa chọn sao cho học sinh học tập một cách hứng thú, chủ động nhất.

Để thực hiện Chương trình GDPT 2018, tất cả giáo viên đều được trang bị đầy đủ về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát triển năng lực, phẩm chất của người học và bước đầu thực hiện linh hoạt, tích cực.

Khi thực hiện Chương trình và sách giáo khoa mới, giáo viên dễ dàng xác định rõ mục tiêu yêu cầu cần đạt của từng bài; được định hướng rõ ràng về hình thức tổ chức từ đó lựa chọn phương tiện dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp, linh hoạt. Trong từng tiết học, giáo viên có thể thay đổi, tìm kiếm các tư liệu dạy học sao cho phù hợp với tình hình thực tế, quá trình nhận thức của học sinh và theo sự thống nhất của tổ chuyên môn.

Việc thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của học sinh cũng diễn ra thuận lợi. Thầy cô đều vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học như thảo luận nhóm, hỏi – đáp, quan sát, thuyết trình...; hình thức tổ chức dạy học (cá nhân, nhóm, theo cặp, cả lớp); kỹ thuật dạy học (khăn trải bàn, kỹ thuật mảnh ghép...).Việc dạy tích hợp phù hợp để phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo, giúp học sinh có cơ hội được trải nghiệm và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Giáo viên Trường Everest khẳng định Chương trình GDPT mới có nhiều ưu điểm.
Giáo viên Trường Everest khẳng định Chương trình GDPT mới có nhiều ưu điểm.

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận sự đầu tư cơ sở vật chất bài bản; tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như hoạt động giáo dục nói chung.

Về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Đổi mới đương nhiên là khó, nhưng phải làm. Điều quan trọng là trong quá trình đó thấy hết được những thuận lợi, khó khăn; đánh giá khách quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), vì mục tiêu chung là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngày 10/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Nội.

Các tổ công tác của Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy); PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng); THPT Kim Liên (quận Đống Đa); Tiểu học, THCS, THPT Everest (quận Bắc Từ Liêm), THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (quận Cầu Giấy).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.