Triển khai chương trình mới tại TPHCM: Tháo gỡ rào cản về cơ sở vật chất

Triển khai chương trình mới tại TPHCM: Tháo gỡ rào cản về cơ sở vật chất

Tập trung bồi dưỡng giáo viên

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết: Việc chọn SGK của các trường tiểu học trên địa bàn quận đã hoàn tất. Mọi công tác thực hiện theo quy trình, quy định của Bộ GD&ĐT, tiêu chí chọn SGK của UBND TP ban hành, bảo đảm tính khách quan, khoa học. Từ kết quả lựa chọn của 19 trường tiểu học trên địa bàn, phòng GD&ĐT thống kê kết quả, có gần 90% số trường lựa chọn bộ sách Chân trời sáng tạo, còn lại chọn bộ sách Cánh diều. Theo thống kê của quận Tân Bình, 70% số trường tiểu học chọn bộ sách Chân trời sáng tạo, 30% còn lại chọn bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống.

Sau khi hoàn tất việc chọn SGK, lãnh đạo UBND TP có buổi làm việc với lãnh đạo ngành GD-ĐT đồng thời lưu ý: Trình tự các nội dung bài giảng của từng sách có thể sẽ khác nhau; cùng một vấn đề nhưng khía cạnh tiếp cận khác nhau, cách giảng dạy khác nhau dẫn đến học sinh có thể tiếp thu không đồng đều; chênh lệch về kiến thức hoặc bị chênh về chương trình. Do đó Sở GD&ĐT TP phải dự báo trước các tình huống và có văn bản hướng dẫn các trường triển khai thực hiện nhằm bảo đảm việc học của học sinh được đồng đều và đạt chuẩn.

Ngoài việc chọn SGK, công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà thực hiện chương trình mới cũng được các địa phương chú trọng.

Tại quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận chia sẻ: Công tác bồi dưỡng, tập huấn đại trà cho giáo viên đang triển khai mô đun 1 theo kế hoạch của Sở GD&ĐT. Do ảnh hưởng dịch bệnh, hình thức tập huấn kết hợp trực tuyến, trực tiếp và dự kiến đầu tháng 7/2020 sẽ hoàn thành để đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, TP hiện có 547 hiệu trưởng, 827 hiệu phó, 22.239.000 giáo viên (trong đó có gần 17.000 giáo viên dạy nhiều môn), TP đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học thực hiện chương trình mới. Dự kiến tháng 6/2020 hoàn tất cơ bản các khoá bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1. Bậc tiểu học có khoảng 6.313 giáo viên/3.550 lớp học, bảo đảm tỷ lệ và đủ số lượng giáo viên dạy lớp 1, trong đó có 3.683 giáo viên dạy nhiều môn.

Nỗ lực tìm phương án dạy 2 buổi/ngày

Mặc dù TPHCM đã nỗ lực xây thêm hàng nghìn phòng học mỗi năm nhưng sĩ số học sinh/lớp nhiều nơi vẫn cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở khối tiểu ở quận Tân Phú, Bình Tân, Quận 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh vẫn còn thấp so với các quận nội thành.

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở tiểu học đạt gần 73%. Với số dân cơ học tăng cao, việc bảo đảm học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học hiện vẫn gặp khó khăn. Số phòng học lớp 5 ra trường là 3.107 phòng, trong khi đó số phòng học dự kiến lớp 1 năm 2020 - 2021 (3.550 phòng), còn thiếu 443 phòng nhưng số phòng học xây mới chưa tương xứng.

Đơn cử, tại quận Bình Tân, năm học 2020 - 2021, dự kiến địa phương có khoảng 12.000 học sinh lớp 1. Trong khi đó, số học sinh lớp 5 lên lớp 6 khoảng 9.600 em. Dù quận đã nỗ lực và dự kiến đưa vào sử dụng thêm Trường Tiểu học Bùi Hữu Nghĩa và cơ sở 2 của Trường Tiểu học Bình Trị 2 nhưng để bảo đảm sĩ số/lớp cũng như dạy học 2 buổi/ngày cho toàn bộ khối lớp 1 khó khả thi.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân thông tin: Quận có một số phương án như trường tiểu học nào đã và đang thực hiện dạy học 2 buổi/ngày vẫn tiếp tục duy trì, có thể linh hoạt sĩ số phù hợp. Ngoài ra, với những trường có số học sinh dự báo lớp 1 tăng cao, có thể tính đến phương án xây dựng thêm một số phòng học dư ra để khối lớp 1 thay phiên nhau học thêm 1 buổi, bảo đảm 6 buổi/tuần.

Tại Quận 12, vào năm học mới, dự báo số học sinh lớp 1 có khoảng 11.000 em, nhưng phòng học để đáp ứng cho việc thực hiện chương trình mới với 35 em/lớp, học 2 buổi/ngày khó khả thi nên phòng GD&ĐT đã tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án: Nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 học sinh/lớp; Nơi không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số có thể tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ Bảy.

Ngược lại, ở Quận 3, Quận 1, Quận 10, việc dạy học 2 buổi/ngày đối với khối tiểu học vẫn được duy trì từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, sĩ số cũng là vấn đề đặt ra bởi không phải trường nào cũng theo quy định 35 em/lớp khi thực hiện chương trình mới. Vì vậy, phương án được một số trường tiểu học duy trì là dạy học 2 buổi/ngày, sĩ số có thể hơn 40 em/lớp. 

Liên quan đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất thực hiện chương trình mới, ngành GD-ĐT TP đã đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục triển khai đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025”, trong đó tập trung một số nhiệm vụ như xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, thư viện, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu ở khối tiểu học… thực hiện Chương trình GDPT 2018. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.