Nhiều đơn vị đã xây dựng khung kiến thức môn học, lập thời khóa biểu giả định, soạn giáo án và dạy thử, qua đó, vừa bồi dưỡng, vừa thực hành để giáo viên sẵn sàng, tự tin triển khai thay SGK từ năm học 2020 – 2021.
Chủ động tiếp cận
Cô Lầu Y Hua, giáo viên người Mông, dạy học tại điểm bản Phà Lõm (Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An). Đã có hơn 6 năm dạy lớp 1, song cô Y Hua khá lo lắng khi chuẩn bị thực hiện chương trình mới vì học sinh của cô chủ yếu là người dân tộc Mông, Thái, Tày Poọng… “Tổng thể các bộ sách trong chương trình mới trình bày đẹp, nhiều hình ảnh sinh động, thu hút học sinh. Về nội dung có sự kế thừa nên giáo viên không quá khó để soạn giáo án. Còn khi dạy học, tùy vào học sinh mà giáo viên sẽ linh hoạt để có phương pháp phù hợp, giúp các em tiếp thu bài học, nắm được kiến thức kỹ năng”, cô Y Hua cho biết.
Cô Nguyễn Vân Anh - giáo viên Trường Tiểu học Đông Vĩnh (TP Vinh) chia sẻ: “Các bộ sách đã có sự kết nối, xây dựng cấu trúc bài học và chủ đề theo từng tiết học để giáo viên linh hoạt trong giảng dạy. Chương trình mới cũng tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, tự học cho học sinh”.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho hay: “Trường chúng tôi từng thực hiện thí điểm Mô hình Trường học mới (VNEN). Sau khi kết thúc, những nhân tố tích cực của mô hình này vẫn được trường áp dụng và thấy tiệm cận với chương trình mới. Hơn nữa, qua nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp lẫn trực tuyến, bản thân tôi cũng như giáo viên trong trường đã sẵn sàng và háo hức chờ đợi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay SGK.
Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh) đã ấn định 6 GV dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021. Đồng thời tổ chức 3 lần chuyên đề với nội dung: Tìm hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông mới, khung dạy, số tiết dạy cụ thể của từng môn học và xây dựng thời khóa biểu giả định cho lớp 1...
Cô Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, cũng là giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT TP Vinh lạc quan: Thời điểm này, tuy chưa quyết định chọn bộ SGK nào nhưng tập thể cán bộ, GV nhà trường thấy 2 bộ sách “Cánh diều”, “Cùng học để phát triển năng lực” phù hợp với đối tượng học sinh trong trường. Ban Giám hiệu đã giao GV soạn giáo án và thực hành dạy thử 8 tiết các môn học của chương trình lớp 1. Do học sinh nghỉ học nên trường triển khai dạy học thử và cho thầy cô giáo dự giờ, nhận xét. Kết quả cho thấy GV chủ động, tự tin khi áp dụng tài liệu, phương pháp, cách tiếp cận người học mới.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Con Cuông (Nghệ An) cũng cho biết: Dự kiến quy mô năm học tới trường có 4 - 5 lớp 1, nhưng chúng tôi vẫn cử 6 giáo viên đi tập huấn bồi dưỡng. Vừa có thêm người trao đổi chuyên môn, vừa dự phòng khi cần giáo viên dạy thay, dạy bù một số tiết. Trường cũng triển khai tập huấn dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học. Qua đó, bồi dưỡng kỹ năng dạy học tích hợp cho giáo viên khi chương trình tịnh tiến lên khối lớp cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều trường cũng bày tỏ một số lo lắng khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Cô Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP Vinh) thông tin: “Là trường chuẩn quốc gia, về cơ sở vật chất bảo đảm đầy đủ. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường khác ở TP Vinh, chúng tôi gặp áp lực về sĩ số, vượt tỷ lệ 35 em/lớp. Ngoài ra, chúng tôi cũng mới đạt hơn 2,2 giáo viên/lớp và đang phải hợp đồng thỉnh giảng mới bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày”.
Nói về chuẩn bị triển khai SGK mới, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An) cho hay: Ngành đang lấy ý kiến các cơ sở giáo dục để xây dựng bộ tiêu chí chung, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành trong việc lựa chọn sách. Riêng với lớp 1, sau khi các trường lựa chọn xong, sở sẽ tổng hợp số lượng gửi các nhà xuất bản sớm in ấn và phân phối. Về chương trình giáo dục địa phương, sở đã hoàn thành dự thảo, lấy ý kiến góp ý của các nhà trường để hoàn thiện.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng thông tin: Theo dự báo quy mô học sinh trong những năm tới, số lượng giáo viên tương ứng sẽ cân bằng dần, và tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ không còn nhiều bất cập. Ngoài ra, về cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT giao các trường rà soát và báo cáo để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ. Sau đó, nếu đơn vị nào chưa được tỉnh hỗ trợ sẽ đề xuất với địa phương trích ngân sách chuẩn bị đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều địa phương thiếu giáo viên tiểu học. Đặc biệt, trường vùng cao thiếu trầm trọng GV 2 môn Tin học, Ngoại ngữ, trong khi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ lớp 3 trở lên đây là 2 môn bắt buộc. Hiện các địa phương đang tích cực dồn dịch điểm trường, dồn học sinh lớp 3, 4, 5 điểm lẻ về trường chính. Một số nơi giáo viên Tin học, Ngoại ngữ thực hiện dạy liên trường, liên xã…