Trích đoạn “Đất Nước” dưới góc nhìn phê bình sinh thái

GD&TĐ - Chương V, trích đoạn “Đất Nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm là chương để lại dấu ấn đậm nét về cách khám phá của nhà thơ về Đất Nước trên những phương diện cụ thể và làm nổi bật tư tưởng xuyên suốt trong cả trường ca, đó là tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. 

Trích đoạn “Đất Nước” dưới góc nhìn phê bình sinh thái

Dưới góc nhìn của phê bình sinh thái, có thể khẳng định, chính những yếu tố thiên nhiên, địa lý, danh lam thắng cảnh đã góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đạo của trích đoạn.

Từ những khám phá về Đất Nước

Mở đầu trích đoạn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận quá trình hình thành và phát triển của Đất Nước. Hình ảnh Đất Nước dung dị, đời thường, xa xưa nhưng không xa vời được cảm nhận trong sự gắn kết với văn hóa, phong tục, tập quán và vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.

Sau khi trả lời câu hỏi: Đất Nước có từ bao giờ? Nhà thơ tiếp tục đi sâu khám phá Đất Nước bằng cách đi trả lời câu hỏi: Đất Nước là gì? Để trả lời câu hỏi này, Nguyễn Khoa Điềm đã tách thuật ngữ “Đất Nước” thành Đất riêng, Nước riêng. Từ đó, hình ảnh Đất Nước được thể hiện qua những hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân thuộc: “Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm”.

Không chỉ dừng lại ở không gian dòng sông, con đường, Đất Nước còn được cảm nhận trong sự mở rộng không gian tự nhiên kỳ vĩ, giàu đẹp: “Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/ Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi/ Thời gian đằng đẵng/ Không gian mênh mông”.

Ý thơ đã mở ra một bức tranh Đất Nước với những hình ảnh núi, sông, rừng, biển mênh mông, hùng vĩ, trù phú, giàu đẹp. Đó là những tài nguyên thiên nhiên được thiên tạo, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Điều kỳ diệu khi khám phá Đất Nước trên các phương diện, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khéo léo gắn kết giữa phương diện địa lý với chiều sâu lịch sử qua những truyền thuyết, những huyền tích: “Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ đồng bào ta trong bọc trứng”.

Ở phương diện này, Đất Nước có cả chiều sâu và bề dày được nhận thức từ huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ. Từ không gian sinh tồn của con người bao thế hệ, Đất Nước đi vào đời sống tâm linh của dân tộc, trở thành những điều rất đỗi thiêng liêng và gợi nhắc mỗi con người luôn nhớ về nguồn cội cao quý, khắc sâu tinh thần đoàn kết.

Từ đó, hình ảnh Đất Nước hiện lên qua đoạn thơ vừa gần gũi, cụ thể, vừa thiêng liêng, khái quát trên cả bề rộng không gian địa lý mênh mông và thời gian lịch sử đằng đẵng của dân tộc.

Đến tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”

Nếu như ở đoạn đầu của chương V, tác giả khám phá Đất Nước trên những phương diện cụ thể thì ở phần sau, tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” được nhà thơ lý giải bằng những dòng thơ mang đậm chất trữ tình triết luận, khẳng định chân lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam: Nhân dân chính là người làm nên Đất Nước.

Ở đoạn này, các yếu tố tự nhiên, danh lam thắng cảnh, ruộng đồng, gò bãi, sông biển được tác giả nhắc đến trong sự hóa thân, sự góp sức của nhân dân lao động từ bao đời nay: “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước núi Vọng Phu.../ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

Không phải ngẫu nhiên trong đoạn 12 câu của phần sau, tác giả đi liệt kê, giới thiệu về những danh lam thắng cảnh dọc Bắc, Trung, Nam của Đất Nước. Đó là những địa danh nổi tiếng được tự nhiên tạo tác như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, ao đầm, 99 ngọn núi xung quanh núi Nghĩa Lĩnh vùng đất Tổ, núi Bút, non Nghiên, con cóc, con gà ở Hạ Long, Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm... Nhà thơ đã kể, liêt kê một loạt kì quan thiên nhiên trải dài trên lãnh thổ từ Bắc vào Nam như muốn phác thảo tấm bản đồ thắng cảnh của Đất Nước.

Ở đây, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đi vào chiều sâu khám phá từ góc nhìn thiên nhiên đến góc nhìn lịch sử, văn hóa thì những thắng cảnh ấy được tạo bởi chính phẩm chất, tâm hồn của nhân dân từ bao thế hệ.

Những địa danh, những thắng cảnh nổi tiếng chính là sự hóa thân của bao số phận, tính cách, phẩm chất của mỗi cuộc đời, mỗi con người. Vì thế, mỗi khi nhắc đến những địa danh ấy, người ta không quên chiêm nghiệm về lẽ sống, về những nét đẹp truyền thống của dân tộc như lòng chung thủy, lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, cần cù lao động.

Để đến cuối đoạn thơ, tác giả đã khẳng định theo lối quy nạp bằng một câu thơ mang tính khái quát: “Ôi Đất Nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...”.

Không chỉ hóa thân vào những địa danh, những thắng cảnh nổi tiếng, nhân dân là những người bằng da bằng thịt góp sức mình bằng sự lao động cần cù từ đời này sang đời khác để làm nên những cánh đồng phì nhiêu, làm nên những vườn cây hoa trái, đắp đập, be bờ...: “Họ gánh tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân/ Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”.

Nhân dân chính là những người lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau những giá trị vật chất và tinh thần: “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng/ Họ truyền lửa cho mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi/ Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói”.

Kết thúc trích đoạn Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc đến hình ảnh dòng sông quê hương: “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu/ Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát/ Người chèo đò khi kéo thuyền vượt thác/ Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”.

Ở đoạn thơ này, Nguyễn Khoa Điềm nhìn hình ảnh dòng sông từ góc nhìn chiều sâu không gian địa lý, tự nhiên đến góc nhìn văn hóa. Bất kỳ dòng sông nào đều cho nguồn gốc của nó. Nó có thể bắt nguồn từ một đất nước khác nhưng khi chảy vào đất nước Việt Nam, những dòng sông mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng, mang dòng nước trong mát cho xứ sở.

Những dòng sông ấy không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên như trong mát, êm đềm, trữ tình, thơ mộng mà còn in đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc, hòa vào dòng chảy của lịch sử, văn hóa bao thời đại.

Mỗi dòng sông có dáng vẻ riêng, có sắc màu riêng và có nét riêng về làn điệu dân ca, vì thế, nhà thơ mới có cảm nhận: “Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi”. Đây là cách cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm khi khám phá về Đất Nước và khẳng định sâu sắc tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”.

Những khám phá của tác giả Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước dưới góc nhìn của phê bình sinh thái đã khẳng định, Đất Nước không chỉ là sự tổng hòa các giá trị như văn hóa, phong tục, tập quán, văn học dân gian, truyền thống tốt đẹp của con người mà còn gắn với không gian địa lý với thiên nhiên, địa danh vừa mênh mông, hùng vĩ, tươi đẹp vừa gần gũi, thân thuộc.

Tư tưởng “Đất Nước của nhân dân” đã cho thấy sự hóa thân kỳ diệu của nhân dân lao động vào dáng hình xứ sở, làm nên những giá trị trường tồn của Đất Nước. Dưới góc nhìn này, chúng ta khẳng định và trân trọng vốn sống đa dạng, phong phú và những sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong khi viết về đề tài Đất Nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ