Biểu tượng BACK TO SCHOOL (Trở lại trường) |
Ngày khai giảng lùi dần sang tháng 8
Mỗi địa hạt hành chính gồm nhiều thành phố như Quận Cam (Orange Country) có lịch nhập học khác nhau và rất ít khi trùng lắp. Do đó, trong thời gian từ tuần đầu tiên của tháng 8 đến 10/9 hoặc trễ hơn đều có thể là “ngày đầu tiên đi học”.
Theo các nhà giáo dục, khai trường sớm hơn sẽ tốt hơn trong việc giúp học sinh làm quen với năm học mới, phu huynh cũng bớt được thời gian chăm sóc con dịp hè và trường cũng đỡ bị động hơn trong việc chuẩn bị cho năm học mới. Đa số nhà trẻ tại Mỹ nhận trẻ em 4 tuổi trở lên vào ngày 5/8, ví dụ Phoenix, Oklahoma City, Indianapolis và Monterey, California. Số còn lại mở cửa trễ hơn một tuần nhưng không quá tháng 8.
Trước khi nghỉ hè vài tuần, trường ra thông báo nhắc nhở để các bậc cha mẹ sắp xếp kỳ nghỉ cho con sao cho tốt nhất. Dĩ nhiên, nhà trường cũng tham gia tích cực vào kỳ nghỉ hè với những chương trình ngoại khóa hay rèn luyện kỹ năng như bơi lội. Một số bậc cha mẹ muốn ngày khai giảng tổ chức sau ngày Lễ Lao động (Labor Day, thứ hai tuần đầu tháng 9) nhưng xu hướng chung là muốn cho con tựu trường sớm hơn. Muốn hiểu về xu hướng này, hãy nhìn lại quá khứ của năm học.
Trẻ em Mỹ cách nay hơn 100 năm hầu như không có khái niệm về nghỉ hè như trẻ em phương Đông. Nghỉ hè là “khái niệm” xuất hiện sau này, khi hệ thống giáo dục công lập ra đời tại Mỹ vào thập niên 1800, bắt đầu và kết thúc năm học mới tùy thuộc vào nhu cầu của từng cộng đồng dân cư.
“Tại các thành phố có trường hoạt động 240 ngày một năm, trong khi đó ở nông thôn đa số trường chỉ mở cửa 5 tháng với hai học kỳ vào mùa hè và mùa đông. Mùa thu và mùa xuân trường đóng cửa để học sinh giúp cha mẹ gieo trồng và thu hoạch” - John Rury, sử gia về giáo dục Mỹ tại Đại học Kansas cho biết. “Đến thập niên 1890, khi sức khoẻ của giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi thời gian học kéo dài được quan tâm cùng với những khó khăn về tài chính, ban giám hiệu nhiều trường bắt đầu bỏ học kỳ hè” - Kenneth Gold, trưởng khoa giáo dục tại Đại học Staten Island/CUNY và là tác giả cuốn sách School’s In: The History of Summer Education in American Public Schools nói.
Đến đầu thế kỷ 20, các phân khu giáo dục (Học khu-ISD) lần lượt áp dụng chế độ học 180 ngày một năm, bắt đầu sau Labor Day và kết thúc vào đầu tháng 6 (sau ngày lễ Memorial Day). Có hơn 12.000 học khu trên khắp nước Mỹ, và mỗi nơi lại có luật lệ riêng và có cơ quan riêng chịu trách nhiệm về ngày khai giảng học kỳ chứ không thống nhất.
Đến thập niên 1980, Labor Day vẫn còn được xem như cột mốc để quyết định ngày khai trường. Nhưng đến giữa thập niên 1990, đặc biệt là ở phía nam nước Mỹ, các học khu bắt đầu “nhảy tàu” và chuyển ngày khai giảng qua tháng 8. Tại bang Atlanta, 1996 là năm cuối cùng ngày khai giảng diễn ra sau Labor Day. Các học khu tại bang Florida, Kansas, California và nhiều nữa cũng khai giảng vào tháng 8 và kết thúc niên học vào ngày Memorial Day (trước tháng 6).
Lý do “nhảy tàu”
Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường không “nhảy tàu” và ngày khai giảng vẫn diễn ra sau Labor Day, đặc biệt là tại các bang Đông Bắc như Michigan, Minnesota, Virginia, nơi luật riêng của bang được kỹ nghệ du lịch địa phương hậu thuẫn cấm các trường bắt đầu năm học mới trước Labor Day, trừ phi được phép. Tận dụng “châm chước” này, nhiều trường xin phép khai giảng trong tháng 8.
Năm 2017, tại Virginia, lần đầu tiên học sinh tại học khu Prince William County sẽ nhập học trước Labor Day. Tại Minnesota, học khu Minneapolis sau khi được phép “nhảy tàu” đã giải thích lý do “ngày nhập học cũ đã lấy mất của học sinh cơ hội tiếp thu những thứ cần có để thành công trong Thế kỷ 21”!
Các chuyên viên giáo dục đã đưa ra nhiều lý do tại sao cả phụ huynh và học sinh đều ghét khai giảng trễ. Một trong những yếu tố giáo viên đưa ra là nhập học sớm sẽ giúp họ có thêm thời gian giảng dạy để học sinh đạt kết quả cao trong các cuộc thi cấp bang.
Nhập học sớm vào tháng 8 cũng cho phép học sinh hoàn tất học kỳ đầu trước đợt nghỉ dài tháng 12. Giáo viên có thể bỏ thời gian xem lại bài vở vào lúc học sinh nghỉ để tháng 1 có thể bắt đầu ngay bài học mới. Học khu Los Angeles đã viện các lý do trên để chuyển ngày khai giảng sang tháng 8 kể từ năm 2012.
Khởi đầu sớm cũng giúp học sinh được nghỉ vài ngày trong tháng 9 hay 10 của mùa thu, tháng 2 của mùa đông và các ngày nghỉ Thanksgiving (cuối tháng 11. Thanksgiving luôn rơi vào ngày thứ năm nhưng học sinh nghỉ thêm 2 ngày trước và sau nó), Christmas (nghỉ hai tuần), Easter (lễ phục sinh, nghỉ 1 tuần).
Cả giáo viên và học sinh đều đỡ bị ức chế khi có thêm thời gian nghỉ trong năm nhờ đôn ngày khai giảng lên tháng 8. “Học và dạy đều vất vả, vì vậy những khoảng lặng nghỉ ngơi là hết sức cần thiết. Nghỉ để giáo viên, học sinh và nhân viên trường nạp lại năng lượng” - Rebecca Kaye, cố vấn quản lý về thời khoá biểu tại Atlanta Public Schools nhận xét.
Bà xem việc khai giảng sau Labor Day và bế giảng vào tháng 6 là không hợp lý vì “không giúp được gì cho việc nạp lại năng lượng”. Trên thực tế, một số trường học tại Atlanta kết thúc niên học vào tháng 6 như truyền thống nhưng học sinh đã không đến lớp từ sau ngày Memorial Day.
“Dù trường vẫn dạy sau ngày này nhưng đối với học sinh và phụ huynh thì niên học đã xong từ ngày Memorial Day”. Nhiều học sinh vừa tốt nghiệp trung học và nhân viên trường tận dụng mùa nghỉ hè để học thêm. Kết thúc niên học trước Memorial Day giúp họ thực hiện việc này dễ hơn.
Chuẩn bị học cụ cho ngày nhập học |
Chi phí của các gia đình cho mùa khai giảng
Có người lập luận là “khai giảng sớm sẽ tốn kém hơn vì nhiều trường phải dùng máy điều hòa cho những ngày hè nóng bức”. Tuy nhiên, trường Atlanta Public Schools đã bác bỏ lập luận này và khẳng định “chi phí tăng thêm là không đáng kể mà các gia đình còn đỡ được một khoản tiền cho con đi nghỉ hè”.
Rebecca Kaye lý giải: “ Dù khai giảng trễ thì trường vẫn hoạt động quanh năm. Có nhiều khoản chi không liên quan đến việc học sinh nhập học trễ hay sớm. Tôi thích niên khóa kéo dài đến 220 ngày. Học sinh nếu không học ở trường chúng cũng sẽ chẳng học ở nhà!”.
Năm nay, theo ước tính, chi phí mà các bậc phụ huynh phải chi để chuẩn bị các thứ cần thiết cho con trở lại trường trung bình là 630 USD cho học sinh từ nhà trẻ đến lớp 12 (K-12) và 899 USD cho một sinh viên đại học (số liệu của National Retail Federation).
Công ty khảo sát Insight đã mở cuộc thăm dò năm thứ 10 về chi tiêu cho ngày khai giảng tại Mỹ và dự báo tổng chi tiêu cho mùa khai giảng năm nay sẽ vượt quá 27 tỉ USD. 81% người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm tại các cửa hàng bán sỉ, chỉ có 28% mua tại cửa hàng bán lẻ (năm ngoái là 54%), 8% đến các cửa hàng thời trang cao cấp (năm ngoái là 25%).
Rõ ràng, ý thức tiết kiệm ngày càng thấy rõ trong phụ huynh Mỹ. Cha mẹ được khuyên nên mua sắm vào thời điểm nào rẻ nhất chứ đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Có thể mua quần áo, dụng cụ… qua các trang web bán hàng trực tuyến như Amazone hay eBay.
Có nhiều cửa hàng, kể cả cửa hàng điện tử, có chương trinh khuyến mãi mùa tựu trường, nhưng nếu muốn mua laptop rẻ, phụ huynh nên chờ đến tráng 11, tránh mùa cao điểm hoặc chờ ngày xả hàng Black Friday (Thứ sáu đen). 17 bang ở Mỹ có chính sách miễn thuế doanh thu cho các cửa hàng chuyên phục vụ ngày tựu trường cho học sinh.
Từ 16-22/8 tại bang Connecticut, người mua sắm quần áo và giày không phải chịu thuế doanh thu nếu trị giá số hàng dưới 100 USD. Nước Mỹ có cả bản qui định miễn thuế doanh thu dành cho ngày nghỉ (State Sales Tax Holidays) do cơ quan thuế liên bang (Federation of Tax Administrators) ban hành.
Trường học địa phương khai giảng vào các ngày khác nhau trên toàn nước Mỹ |