Tỷ lệ này khá ổn định trong những năm qua, cho thấy xu hướng thí sinh đã cân nhắc, lựa chọn rõ ràng con đường đi cho riêng mình sau bậc phổ thông.
Thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT
Năm 2021, Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ có 259 học sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này, chỉ có 71 học sinh đăng ký xét tuyển ĐH từ điểm thi, chiếm 27%; còn lại chủ yếu thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Tỷ lệ này không biến động nhiều so với mọi năm. Tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp cao là có lý do.
“Các trường đại học hiện nay có nhiều phương thức tuyển sinh (xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực...), tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn phương thức đăng ký phù hợp nhất. Bên cạnh đó, nhiều em lựa chọn không học đại học mà đăng ký học nghề trung cấp, hoặc cao đẳng, kể cả học nghề tự do tại các cơ sở kinh doanh, sửa chữa, làm đẹp... Các em vừa làm, vừa học để có thu nhập và cơ hội làm việc sớm. Có thể nói, sự lựa chọn của học sinh cuối cấp hiện nay đa dạng, phù hợp với thực tế và hoàn cảnh bản thân, gia đình” – thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Tại Phú Thọ, thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, toàn tỉnh có 6.445 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trên tổng số 16.213 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021, chiếm 39,75%. Nguyên nhân chính được cho là nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT chọn học nghề, hoặc vào làm tại các khu công nghiệp, hay tham gia sản xuất ở địa phương.
Tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT có sự khác nhau giữa các địa phương; nhưng nhìn chung tỷ lệ này thường cao hơn ở những địa phương khó khăn và thấp hơn ở vùng thuận lợi. Đơn cử, năm nay Nam Định có 2.758/20.962 thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp, chiếm trên 13%. Đồng Nai, có hơn 8.000 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp trên tổng số hơn 31.000 thí sinh đăng ký dự thi. Tỷ lệ này tại Hòa Bình dự kiến là 4.906/9.541 (trên 51%); Thái Nguyên 5.314/16.970 (trên 31%); Nghệ An: 11.147/34.452 (32,35%); Đắk Lắk: 4.713/19.863 (trên 23,7%)…
Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi; trong đó thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 222.503 (chiếm 21,79%). Nhìn lại từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, hằng năm luôn có một tỷ lệ thí sinh chỉ dự thi để lấy điểm xét tốt nghiệp. Thậm chí, trên quy mô cả nước, tỷ lệ này có năm lên tới 32% (năm 2016).
Dấu hiệu tích cực
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại An Giang có 17.041 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có 1.722 thí sinh đăng ký chỉ xét tốt nghiệp THPT, chiếm tỷ lệ hơn 10%. So với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỷ lệ này là 12,8%.
Thông tin từ ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng: Số thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT hằng năm tại An Giang nói riêng và cả nước nói chung thể hiện các em đã xác định rõ mục tiêu, lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở trường của mình, không nhất thiết phải học đại học. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của ngành Giáo dục trong triển khai thực hiện Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, năm nay các trường đại học, kể cả trường công lập lớn, đều mở rộng phương thức xét tuyển; trong đó tăng mạnh chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT của học sinh (ngoại trừ các trường đại học tốp trên sử dụng chủ yếu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT). Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập, những thí sinh có học lực từ trung bình trở xuống có thể vào thẳng đại học bằng xét tuyển kết quả học tập THPT. Không ít học sinh đã nhận được giấy báo trúng tuyển của các trường đại học và chỉ chờ tốt nghiệp THPT để nhập học chính thức.
“Cuối cùng, chi phí học tập và sinh hoạt ở bậc đại học ngày càng tăng, điều này là vấn đề phải suy nghĩ với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con đi học... Vì thế, có thể học sinh sẽ chọn học nghề với mức học phí thấp hơn, lại có thể sớm đi làm có thu nhập phụ giúp gia đình” - ông Trần Tuấn Khanh lý giải thêm.
Từ góc độ trường đại học, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ: Số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp phần nào cho thấy xu hướng dịch chuyển cũng như nhận thức của người dân đã thực tiễn hơn. “Còn nhớ, lứa học sinh chúng tôi hầu như ai cũng đăng ký thi đại học, trượt vài lần mới bỏ cuộc đi học nghề”.
Chia sẻ điều này, PGS.TS Trần Trung Kiên đồng thời quan tâm đến vấn đề phân luồng và lấy ví dụ cách làm của Đức. “Thời gian học tiến sĩ ở Đức, tôi thấy cách phân luồng của họ rất bài bản. Đầu cấp 2, học sinh chọn hai hướng: Đi học nghề hoặc cao đẳng (chỉ học 10 năm phổ thông), hoặc sẽ học đại học (học 13 năm phổ thông). Tuy nhiên, nếu học sinh muốn thay đổi định hướng vẫn thực hiện được, nhưng phải đạt điều kiện về học lực hoặc phải thi vượt rào. Phân luồng như vậy sẽ có được kết quả về nguồn nhân lực. Họ học ra học và làm nghề ra làm nghề. Công nhân thì tay nghề rất cao, lương sống tốt. Kỹ sư ra trường rất dễ xin việc” - PGS.TS Trần Trung Kiên chia sẻ.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cùng chung nhận định khi cho rằng, số thí sinh thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp tương đối ổn định trong những năm gần đây (khoảng 20 - 25%). Điều này phản ánh việc phân luồng hướng nghiệp gắn với thực tiễn; thí sinh đã thực tế hơn, không coi học đại học là con đường duy nhất nữa. Đây là tín hiệu tích cực.