Trẻ uống nhầm hóa chất, thuốc chuột: Người lớn hãy tự trách mình

Uống nhầm bột thông cống, ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc chuột là những tai nạn rất nhiều trẻ mắc phải trong thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của chính các bậc phụ huynh.

BS Nguyễn Văn Thường cho biết, trẻ uống nhầm hóa chất chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn.
BS Nguyễn Văn Thường cho biết, trẻ uống nhầm hóa chất chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn.

Trẻ nhập viện do người lớn bất cẩn

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa nhi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng uống nhầm các loại thuốc và hóa chất độc hại trên chủ yếu là xuất phát từ người lớn khi không cẩn thận trong việc cất để đồ đạc, đặc biệt là những loại hóa chất giống những loại thuốc hoặc vật dụng sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, việc trẻ bị những tai nạn trong kỳ nghỉ hè cũng tăng hơn rất nhiều so với thời điểm trong năm học. Bởi bản tính hiếu động, tò mò của trẻ, cộng với việc người lớn lơ đãng trong việc trông nom, nên việc trẻ gặp phải tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Điển hình gần đây nhất là sự việc xảy ra tại Quảng Ninh, khi hai chị em đã uống nhầm thuốc chuột vì tưởng đó là siro. Kết quả là, cả hai chị em phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, co giật, hiện vẫn đang phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Một trường hợp khác tương tự xảy ra tại TP.HCM, khi bà ngoại lấy thuốc hạ sốt để trong “rổ thuốc gia đình” cho trẻ uống, chẳng may lấy nhầm gói thuốc bột diệt chuột còn sót lại hiệu RAT K có thành phần hóa học bromadiolone là một loại thuốc chống đông mạnh thuộc nhóm siêu warfarine – thuốc kháng đông chống vitamin K. Người nhà chỉ phát hiện ra sự việc sau đó 6 giờ, khi thấy trẻ bỏ bú, ói ra máu, tiêu phân đen, nên đưa trẻ nhập viện địa phương được sơ cứu, rồi chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại đây, em được rửa dạ dày, cho uống than hoạt, xét nghiệm chức năng đông máu cho thấy tình trạng rối loạn đông máu diễn tiến nặng dần (tỉ lệ phức bộ các yếu tố đông máu giảm còn 7%), trẻ được được truyền huyết tương tươi đông lạnh, truyền vitamin K1 sau đó cho uống vitamin K1 liều cao 50mg mỗi 6 giờ trong 2 ngày sau đó giảm liều dần dựa trên kết quả xét nghiệm chức năng đông máu.

Từ những tai nạn thương tâm trên, trao đổi với phóng viên Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – Hà Nội) cho biết, những trường hợp trẻ nhập viện do uống nhầm hóa chất, thuốc diệt chuột đến cấp cứu tại bệnh viện không phải là hiếm.

Qua khai thác bệnh sử của các trẻ nhập viện cho thấy, hầu hết các trường hợp trẻ bị ngộ độc đều có nguyên nhân chủ quan từ phía người lớn. Đó có thể là chính cha mẹ, thầy cô giáo hoặc người giúp việc.

Xử lý như thế nào khi trẻ bị tai nạn

Chia sẻ với phóng viên BS Thường cho biết, khi phát hiện trẻ bị các tai nạn ở nhà, các bậc phụ huynh không nên quá hoảng hốt, mà cần phải bình tĩnh tìm hiểu xem con bị tai nạn gì để có các sơ cứu hợp lý.

“Ví dụ nếu trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần phải nhẹ nhàng để không cho dị vật đi sâu vào trong hoặc lạc vào đường thở, nếu dị vậy đi lạc vào đường thở sẽ gây khó khăn trong việc sơ cứu và cứu chữa bệnh nhi khi đi đến bệnh viện. Còn khi trẻ uống nhầm phải hóa chất, thì người nhà cần nhanh chóng xác định trẻ uống loại hóa chất gì, liều lượng bao nhiêu. Bởi, mỗi loại hóa chất đều có biểu hiện lâm sàng và cách xử lý khác nhau”, BS Thường khuyến cáo.

Trẻ uống nhầm hóa chất, thuốc chuột: Người lớn hãy tự trách mình - 2

Trường hợp trẻ ăn nhầm bột thông cống được cấp cứu tại BV Nhi TƯ.

Theo đó, nếu trẻ uống nhầm phải những loại hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như axit, bazơ hoặc xăng dầu, người lớn không được gây nôn cho trẻ. Bởi, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp. Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp trẻ uống nhầm phải thuốc diệt cỏ, phụ huynh cần nhanh chóng gây nôn cho trẻ càng sớm càng tốt. Trong vòng 1h đầu uống nước và gây nôn bằng cách móc họng cho bệnh nhân. Nếu có thể, nên cho uống siro ipeca 10-15 ml ở trẻ em, 30 ml ở người lớn để gây nôn.

Khi nôn, để bệnh nhân đầu thấp tránh sặc vào phổi. Hoặc đặt người bệnh nằm nghiêng tránh chất nôn, dịch tiết hay nước chảy vào khí quản gây tắc thở. Sau khi bệnh nhân nôn, có thể cho bệnh nhân uống một trong các thuốc sau làm giảm hấp phụ chất độc vào cơ thể: Than hoạt tính 1 g/kg/lần pha nước cho bệnh nhân uống; hoặc uống đất sét hấp thụ rất tốt paraquat. Sau đó khẩn trương đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, nên để xa những loại hóa chất, thuốc diệt muỗi, mối, chuột…xa tầm tay trẻ em, không để ở những nơi trẻ dễ nhìn thấy, chung với các loại vật dụng hàng ngày hoặc chung với các loại thuốc uống thông thường khác.

Ngoài ra, tuyệt đối không để những loại hóa chất, thuốc độc này trong các loại chai nước mọi người hay sử dụng như: lavie, trà xanh, C2… vì trẻ rất dễ nhầm lần đó là loại nước uống được và lấy để uống.

Theo Eva

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.