Trong đó, khoảng 0,7% trẻ cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với những biến chứng nặng. Các yếu tố tiên lượng nặng là trẻ béo phì, chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh...
Nguy cơ diễn biến nặng ở trẻ dưới 12 tháng
Bộ Y tế vừa có Quyết định về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em. Theo đó, phần lớn trẻ em mắc Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ với tình trạng viêm hô hấp cấp trên, tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).
Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn. Nhìn chung, trẻ mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ. Do đó, tỷ lệ nhập viện và tử vong ở trẻ mắc Covid-19 ít hơn so với người lớn.
Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan ở trẻ mắc Covid-19 khá hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở 2 - 6 tuần sau khi trẻ nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, triệu chứng này thường gây diễn biến nặng và dẫn tới nguy cơ tử vong.
Về triệu chứng lâm sàng, thời gian ủ bệnh ở trẻ mắc Covid-19 thường từ 2 - 14 ngày, trung bình 4 - 5 ngày. Bệnh khởi phát khi trẻ có một hay nhiều triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, mất vị giác/khứu giác, nôn và tiêu chảy, đau cơ. Tuy nhiên, trẻ thường không có triệu chứng khi mắc Covid-19.
Các triệu chứng khác ít gặp hơn là tổn thương da niêm (hồng ban các đầu ngón chi, nổi ban da...); rối loạn nhịp tim; tổn thương thận cấp; viêm thanh mạc (tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim); gan to, viêm gan; bệnh não (co giật, hôn mê hoặc viêm não).
Hầu hết trẻ bị viêm đường hô hấp trên với triệu chứng sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 - 2 tuần. Theo thống kê, khoảng 2% trẻ diễn biến nặng khi mắc Covid-19, thường vào ngày thứ 5 - 8 của bệnh.
Trong đó, khoảng 0,7% trẻ cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với những biến chứng nặng như hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Các yếu tố tiên lượng nặng là trẻ béo phì, chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh...
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ thấp (nhỏ hơn 0,1%). Hầu hết trẻ tử vong do bệnh nền. Khi mắc Covid-19, thường trong giai đoạn từ ngày 7 - 10, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Nguy cơ mắc hội chứng MIS-C
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, trong trường hợp mắc Covid-19, trẻ em thường sẽ bị nhẹ và nhanh hồi phục. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ mắc Covid-19 nặng có thể là do bệnh nền hoặc thừa cân. Bác sĩ Khanh nhận định, với những trẻ có bệnh nền, béo phì, không chỉ Covid-19, trẻ cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc các bệnh khác.
Trong khi đó, theo bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), một số trẻ nhiễm hoặc sau nhiễm Covid-19 tiếp tục phát triển MIS-C. Một số cơ quan và mô như tim, phổi, mạch máu, thận, hệ tiêu hóa, não, da hoặc mắt bị tổn thương nghiêm trọng.
Các dấu hiệu và triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài phụ thuộc vào cơ quan nào trên cơ thể bị tổn thương. Theo chuyên gia này, MIS-C được coi là một hội chứng - một nhóm các dấu hiệu và triệu chứng, không phải là một căn bệnh.
“Các bác sĩ hiện tại ghi nhận được có những trẻ sau nhiễm virus SARS-CoV-2 thì tổn thương đa cơ quan và gọi đó là MIS-C. Đây là một hội chứng mới, có liên quan đến một loại virus mới là SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cùng Viện Y tế quốc gia Mỹ đang làm việc với các bác sĩ và nhà nghiên cứu ở khắp mọi nơi để tìm hiểu thêm về các yếu tố nguy cơ đối với MIS-C nhằm cải thiện chẩn đoán và điều trị MIS-C”, bác sĩ Phí Văn Công dẫn chứng.
Theo bác sĩ Công, MIS-C hiếm xảy ra. Tuy nhiên, khi số lượng trẻ em nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, số lượng bệnh nhi mắc MIS-C cũng tăng đáng kể.
“May mắn là hầu hết trẻ em mắc bệnh này đều tốt hơn khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, MIS-C là hội chứng mới, dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác, kinh nghiệm điều trị chưa có nhiều và tiên lượng về sau cũng chưa được ghi nhận.
Vậy nên, điều trị và tiên lượng trẻ em gặp MIS-C hết sức khó khăn. Một số trẻ gặp MIS-C cũng nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến tính mạng”, bác sĩ Công nhấn mạnh.
Tới nay, các chuyên gia vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác của MIS-C. Tuy nhiên, hội chứng này được cho là xuất hiện do một phản ứng miễn dịch quá mức liên quan đến Covid-19.
Theo bác sĩ Phí Văn Công, các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiến triển của MIS-C bao gồm: Đau bụng dữ dội; Khó thở; Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, xám hoặc xanh lam - tùy thuộc vào tông màu da; Li bì, không tỉnh táo. Do đó, nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp nào như trên, hoặc bị ốm nặng với các dấu hiệu và triệu chứng khác, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con tới cơ sở y tế.