Trẻ Ơ Đu có điều kiện tốt để học

Trẻ Ơ Đu có điều kiện tốt để học

(GD&TĐ) - Ngày 21/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 -2015. Ở Nghệ An, dân tộc Ơ Đu là một trong 9 dân tộc rất ít người của 6 tỉnh trong cả nước thuộc đối tượng thực hiện của Quyết định này. 

Học sinh dân tộc ngày càng được tạo điều kiện học tập tốt hơn
Học sinh dân tộc ngày càng được tạo điều kiện học tập tốt hơn
 

1.Trước khi có Quyết định 2123/QĐ-TTg, tình hình phát triển giáo dục dân tộc nói chung, của đồng bào Ơ Đu (ở Nghệ An) nói riêng đã có nhiều chuyển biến. Tính tại thời điểm năm học 2010-2011, ở Nghệ An, dân tộc Ơ Đu có 24/24 (100%) cháu ở độ tuổi học mẫu giáo, 44/44 (100%) em ở độ tuổi học tiểu học, 24/31 (77,42%) em ở độ tuổi học trung học cơ sở và 12/34 (35,29%) em ở độ tuổi học trung học phổ thông đã được đến trường; 01 em đang học cao đẳng và 02 em học đại học hệ cử tuyển.

Chất lượng học tập của các em, nhìn chung đạt ở mức trung bình: Ở tiểu học, 3/44 (6,82%) em đạt loại giỏi, 14/44 (31,82%) em đạt loại khá, 27/44 (61,36%) em đạt loại trung bình; Ở THCS, 1/24 (4,17%) em đạt loại giỏi, 3/24 (12,5%) em đạt loại khá, 16/24 66,67%) em đạt loại trung bình, 4/24 (16,67%) em còn yếu; Ở THPT, 12/12 (100%) em đạt loại trung bình.      

Để thực hiện Quyết định 2123/QĐ-TTg, ngày 13/9/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3705/QĐ-UBND.VX phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục vùng dân tộc rất ít người giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn Nghệ An. Ông Nguyễn Phùng Đạt, Phó trưởng ban Ban Giáo dục miền núi và dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Trong hơn hai năm qua, với Kế hoạch phát triển giáo dục vùng dân tộc rất ít người, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tâp trung triển khai thực hiện bốn nội dung cơ bản.

Thứ nhất là tổ chức tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và cộng đồng nhận thức rõ việc phát triển giáo dục đối với đồng bào Ơ Đu chính là để bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc này, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh người Ơ Đu học tập, vươn lên.

Thứ hai giành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có học sinh Ơ Đu; sau một thời gian xây dựng, trước khi bước vào năm học 2013-2014, 03 phòng học và 06 phòng công vụ cho giáo viên ở điểm trường tiểu học tại bản Vang Môn, xã Nga My đã được đưa vào sử dụng với số kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Thứ ba là bố trí cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường học có học sinh người Ơ Đu tham gia các cuộc tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức để nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Thứ tư – một nội dung khá quan trọng là thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách hỗ trợ học sinh người Ơ Đu thuộc hộ nghèo.

Chỉ tính trong hai năm (2011, 2012), UBND tỉnh Nghệ An đã giành 602,919 triệu đồng để chi trả theo chế độ ưu đãi mà Thủ tướng Chính phủ đã quy định cho học sinh, sinh viên người dân tộc Ơ Đu.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

2.Theo ông Nguyễn Văn Trung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Nghệ An: Trong công tác tuyển sinh, được sự đồng ý của Sở GD&ĐT Nghệ An, nhà trường đã có chế độ tuyển thẳng đối với học sinh người Ơ Đu. Hiện tại có 12 em là người Ơ Đu đang học tại trường.

Vì tuyển thẳng nên chất lượng học tập của một số em không đảm bảo. Đối với những em này, nhà trường đã phân công giáo viên có kinh nghiệm giúp đỡ thêm cho các em để các em nhanh chóng hòa nhập chung với trình độ của lớp. 

Cũng theo ông Trung, trong vài ba năm nay, nhờ có chính sách ưu đãi của Nhà nước, ở Nghệ An, tuyệt đại các em người Ơ Đu trong độ tuổi học mẫu giáo và phổ thông (100% số trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo, tiểu học, THCS và 82,76% số em ở độ tuổi học THPT) đã được đến trường; số học sinh tiếp tục học lên trung cấp, cao đẳng, đại học cũng tăng đáng kể (hiện có 9 em); điều đáng mừng là đã có 01 em thi đậu thẳng vào đại học.

Nhưng nhìn chung, chất lượng học tập của học sinh người Ơ Đu vẫn còn thấp. Năm nay, trong số 07 học sinh người Ơ Đu mà trường tuyển vào, chỉ có 01 em thi đạt 27/50 điểm (không kể 01 em thi đạt 37/50 điểm, nhưng em lại đi học trường khác), còn lại đều yếu (phải áp dụng chế độ tuyển thẳng), trong đó có 03 em quá yếu, đến mức đọc và viết chưa thành thạo.

Vì vậy, bên cạnh những giải pháp ưu tiên đã thực hiện, các cấp quản lý giáo dục cần chỉ đạo để các trường có học sinh người Ơ Đu tập trung sức giúp đỡ thêm các em, nâng cao chất lượng học tập cho các em ngay từ khi các em còn học tiểu học. Nếu không, việc ưu tiên về cơ sở vật chất và hỗ trợ tiền như hiện nay sẽ không phát huy được tác dụng.

Theo số liệu điều tra dân số, ở Nghệ An, năm 1999, dân tộc Ơ Đu có 301 người, năm 2009 có 340 người (trong tổng số 376 người của cả nước), hiện nay có khoảng 360 người và tất cả đều sinh sống ở xã Nga My, huyện Tương Dương.
Sau hơn hai năm thực hiện Quyết định 2123/QĐ-TTg, tính tại thời điểm kết thúc năm học 2012-3013, ở Nghệ An, dân tộc Ơ Đu có 24/24 (100%) cháu ở độ tuổi học MG, 43/43 (100%) em ở độ tuổi học TH, 30/30 (100%) em ở độ tuổi học THCS và 24/29 (82,76%) em ở độ tuổi học THPT đã được đến trường.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.