Trẻ nước ngoài lạc lõng ở xứ sở Kim Chi

GD&TĐ -  Những trẻ không có quốc tịch Hàn Quốc có thể không đi học mà bố mẹ không bị phạt theo luật phổ cập GD…  

Trẻ nước ngoài lạc lõng ở xứ sở Kim Chi

Đến từ nơi xa lạ

Aziz, 12 tuổi, không biết một chữ tiếng Hàn cho tới khi mẹ cậu kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc. Đầu năm nay, Aziz theo mẹ chuyển từ Uzbekistan tới Asan, một thành phố nông thôn tại Nam Chungcheong, cách Seoul 54 dặm về phía nam, sống cùng bố dượng, một cuộc sống mới vô cùng xa lạ chờ đón cậu.

Tại Hàn Quốc, Aziz không có bạn. Aziz không biết gì về văn hoá nơi này. Học kì này, Aziz bắt đầu đi học tại Trường tiểu học Shichang. Lớp có khoảng 30 bạn nhưng Aziz không thể gần gũi với ai, kể cả giáo viên. Ngay cả giao tiếp bằng mắt Aziz cũng thấy ngại ngần, bối rối.

“Thằng bé thực sự thông minh” – giáo viên cho biết – “Aziz có thể đọc nhiều kí tự chỉ trong 2 tuần nhưng vẫn khó giao tiếp với người khác. Cuộc sống ở trường nói chung là khó hoà nhập và thằng bé cảm thấy lạc lõng”.

Aziz là 1 trong 37 học sinh tại Trường tiểu học Shinchang trải qua những năm đầu đời ở một quốc gia khác, và có bố hoặc mẹ - hoặc cả hai – không phải người Hàn.

Con số này đã tăng vọt từ chỉ 5 học sinh năm 2014, với quốc tịch đa phần từ Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Ukraine, Belarus và Việt Nam. (Asan là nơi tập trung đông cô dâu nước ngoài, hầu hết chồng Hàn đều là nông dân).

Trên toàn quốc, có hàng nghìn học sinh có gốc gác nước ngoài tương tự như Aziz. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, số học sinh diện này tăng từ 4.288 năm 2012 lên 7.418 em vào tháng 4 năm nay, tương đương tăng 73%.

Khó thích nghi

Trẻ nước ngoài khó thích nghi với miền đất mới. Ước tính hơn 10.000 học sinh đến Hàn Quốc mà không tìm được chỗ học. Phụ huynh không thể nói tiếng Hàn, không biết về hệ thống giáo dục Hàn, hoặc đơn giản là không quan tâm về giáo dục – các giáo viên cho biết.

Một lỗ hổng lớn trong hệ thống luật pháp Hàn Quốc là phụ huynh không bị xử phạt nếu không đưa con người nước ngoài tới trường. Đối với trẻ Hàn Quốc, bậc Tiểu học và THCS là phổ cập bắt buộc và những người vi phạm (phụ huynh) bị phạt tối đa tới 1 triệu won (891 USD).

“Phụ huynh nước ngoài đưa con đến trường xin học nhưng thậm chí họ chẳng biết gì về những thủ tục tối thiểu” – Kim Hyun-sook, hiệu phó Trường tiểu học Shinchang, nói.

Về phía nhà trường, chẳng ai biết nói thứ tiếng của mẹ học sinh, điều đó càng khiến cho vấn đề giao tiếp thêm khó khăn. “Chúng tôi dựa vào công cụ dịch tự động từ Google trên mạng Internet để chuyển mẫu đơn xin học sang tiếng Nga” – Kim cho biết.

Sau rào cản đầu tiên đó, phụ huynh tiếp tục vật lộn để giao tiếp với giáo viên. Những người hàng xóm nói được tiếng nước ngoài được mời tới một căn phòng, nơi sử dụng ứng dụng tin nhắn Kakao Talk trên điện thoại di động, để phiên dịch những điều giáo viên muốn nói với phụ huynh và ngược lại. Ban giám hiệu Trường tiểu học Shinchang cho biết trường không có ngân sách thuê trợ giảng có thể nói tiếng Nga hoặc các thứ tiếng khác như một số trường ở Seoul.

“Bọn trẻ đến Hàn Quốc ở độ tuổi rất nhạy cảm” – Oh Seong-bae, giảng viên về GD tại ĐH Dong-A – nói “Giáo viên cần nhận thức rõ sự khác biệt văn hoá để tạo ra sự cân bằng giữa hai thế giới cũ – mới”.

Hyun Young-sub, giảng viên về GD ĐH Quốc gia Kyungpook, cho rằng cần một “hệ thống giám sát” phát hiện phụ huynh người nước ngoài không cho cho con tới trường và xử phạt như với công dân Hàn Quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.