Làm thế nào để trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm H an toàn, khỏe mạnh luôn là mong mỏi của mỗi bà mẹ, là mục tiêu phấn đấu của ngành Y trong những năm qua.
Vẫn còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), công tác điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV đã bao phủ trên toàn quốc. Với 312 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc cùng với việc điều trị trong trại giam, hiện đã có trên 107.000 bệnh nhân được tiếp cận với thuốc.
Có được kết quả trên nhờ hệ thống giám sát, tư vấn, xét nghiệm miễn phí trải dài từ Bắc và Nam, từ nông thôn đến thành thị, miền núi.
Qua tuyên truyền, người dân không còn coi HIV như căn bệnh vô phương cứu chữa. Cộng đồng đã có cái nhìn thiện cảm hơn với người có H. Người mắc bệnh cũng tự tin công khai tình trạng bệnh của mình và chăm sóc người cùng cảnh ngộ.
Có thể nói, công tác chăm sóc, điều trị đã được triển khai kiện toàn các phòng khám ngoại trú trên toàn quốc giúp thực hiện chi trả qua hệ thống bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, tiêu chuẩn điều trị ARV đã mở rộng, điều trị ngay cho tất cả các đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, bệnh nhân lao, cặp bạn tình nhiễm HIV..., đưa mức điều trị CD4 lên 500 tế bào cho các đối tượng còn lại. 42% người có H được điều trị bằng ARV là một tín hiệu tốt thể hiện sự gia tăng tiếp cận điều trị trong cộng đồng người nhiễm HIV.
Trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS, phụ nữ nhiễm HIV mang thai là một trong những đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Đã có trên 1 triệu phụ nữ mang thai được xét nghiệm và phát hiện nhiễm HIV cho gần 1.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Khoảng 60% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được xét nghiệm trong thời kỳ mang thai. 40% phụ nữ mang thai phát hiện trong thời kỳ chuyển dạ.
Trong năm 2015, ước tính điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con cho khoảng 1.400 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, khoảng 40% phụ nữ mang thai nhiễm HIV điều trị ARV trước khi có thai.
Tổng số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV trên 1.000 trẻ được tiếp tục điều trị dự phòng ARV, có khoảng 30 cháu được điều trị dự phòng lây truyền HIV nhưng vẫn bị nhiễm HIV.
Hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh
Ước tính, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không có bất kỳ sự can thiệp nào để dự phòng là khoảng 30% - 45%. Trong khi đó, nếu tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị bằng ARV thì tỷ lệ lây nhiễm HIV sang trẻ sơ sinh giảm xuống còn dưới 2%. Như vậy mỗi năm sẽ có ít nhất 5.000 trẻ được bảo vệ khỏi căn bệnh thế kỷ.
Những năm qua, phụ nữ và trẻ sơ sinh luôn là đối tượng được ưu tiên trong điều trị bằng ARV cũng như thực hiện các biện pháp dự phòng giảm lây truyền từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, hàng năm, vẫn không ít trẻ chào đời đã mang trong mình căn bệnh này. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó việc các bà mẹ thiếu kiến thức là vấn đề đáng bàn.
Khảo sát tại 8 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ của tác giả Lê Thị Thu Hà và cộng sự ở Trường ĐH Y tế công cộng cho thấy, tỷ lệ xét nghiệm tự nguyện ở phụ nữ khi mang thai mới đạt 28,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (60%). Có tới 42% bà mẹ không biết nơi có thể tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV nên thiếu kiến thức về việc giảm nguy cơ lây truyền cho con.
Ở những nơi khác, nhiều người đã chủ động đến cơ sở xét nghiệm, dùng thuốc nhưng do 95% nguồn thuốc từ nguồn tài trợ quốc tế và bị cắt dần nên cơ hội tiếp cận giảm đi đáng kể.
Việc đưa thuốc ARV vào bảo hiểm y tế là việc làm cần thiết nhưng không phải người nhiễm HIV nào cũng có thẻ nên tỷ lệ được dùng thuốc chắc chắn sẽ không còn nhiều so với lúc miễn phí.
Dù đã đạt nhiều thành công nhưng HIV/AIDS vẫn là căn bệnh phổ biến, cần dồn nguồn lực để đối phó, tiến tới khống chế. Ở nước ta, cho dù Chính phủ đã cấp bổ sung kinh phí mua thuốc nhằm bù vào khoản kinh phí thiếu hụt khi các nhà tài trợ rút đi nhưng để có thuốc, người bệnh phải tham gia bảo hiểm y tế.
Như vậy, công tác tuyên truyền để người có điều kiện chủ động mua thẻ, hỗ trợ kinh phí mua thẻ cho người khó khăn cũng cần tính đến, tránh tình trạng thuốc trong bảo hiểm thì dư thừa còn người có bệnh lại không biết cách nào để tiếp cận.