Trẻ mang tật ở mắt do đâu?

Ngoài các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, những hiện tượng tưởng vô hại như mắt “bồ câu con bay con đậu”, mí mắt sưng lên hay sụp xuống… đều có thể dẫn đến giảm thị lực hay những tổn thương vĩnh viên ở mắt trẻ.

Trẻ mang tật ở mắt do đâu?

Mắt lệch (lé)  

Lé là hiện tượng bệnh lý thật sự, tạo sự khác lệch giữa 2 mắt, hình ảnh thu nhận giữa 2 mắt không khớp nhau. Mắt yếu hơn thu nhận hình vật mờ hơn, ngày càng giảm thị lực, lâu ngày người bệnh chỉ nhìn bằng một mắt, mắt kia bị lêch (lé).
 
Lé có thể do tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đặc biệt khi có sự bất đồng khúc xạ, do sự cấu tạo bất thường bẩm sinh của hệ vận động nhãn cầu (ở các cơ) hoặc do tổn thương thần kinh, hay do hậu quả của bệnh ở não. 
 
Có trẻ đột nhiên bị lé sau khi bị một bệnh nhiễm khuẩn, có khi bị lé sau một chấn thương, cũng có khi do một bệnh bẩm sinh làm giảm thị lực ở một mắt kéo dài không được chữa trị như đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, sụp mi…

Phụ huynh cần đưa bé đến cơ sở chuyên khoa mắt để khám cụ thể nhằm xác định bé bị lé thực sự hay chỉ do tật khúc xạ, đeo kính sai độ, đeo kính sai cách…để có hướng điều chỉnh cho bé.

Sụp mí
 
Sụp mi là khi có sự sa xuống bất thường của mi trên. Bé bị sụp mi thường hay ngửa đầu lên trên, nhăn trán để nhìn rõ hơn, đôi khi có thể nhìn thấy song thị (hai hình) hoặc nghiêng đầu để nhìn rõ hơn. Khi sụp mi nặng (che diện đồng tử) bé sẽ nhìn mờ. Bệnh có thể gặp ở một hoặc cả hai mắt.
 
Nguyên nhân gây sụp mí được chia làm hai nhóm là sụp mi bẩm sinh và sụp mi mắc phải. Sụp mi bẩm sinh là hiện tượng thường gặp, xuất hiện ngay từ khi mới sinh, xảy ra do kém phát triển một phần hoặc toàn bộ cơ nâng mi trong quá trình phôi thai. 
 
Sụp mi mắc phải xuất hiện trong bất kì thời gian nào sau sinh, nguyên nhân có thể do chấn thương, bệnh nhược cơ, liệt dây thần kinh III, sụp mi do u mi, sụp mi sau bị bỏng…
 
Sụp mi do nhược cơ có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Sụp mi do yếu tố thần kinh hoặc do yếu cơ nâng mi… thì có hai phương pháp thường được sử dụng là phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mi hoặc phẫu thuật treo mí vào cơ trán. 
 
Chắp - lẹo
 
Chắp, lẹo là những bệnh viêm nhiễm thường gặp ở mi mắt và hay bị nhầm lẫn.
 
Chắp là tình trạng viêm mạn tính của tuyến sụn mi (Meibomius). Bệnh nhân thấy xuất hiện một cục nhỏ, sờ nắn rõ, không di động theo da, ít khi sưng, đỏ, đau. Khi bị bội nhiễm, cục viêm sẽ có mủ, sưng, đau.
 
Trong khi đó, lẹo là tổn thương viêm cấp của tuyến Zeiss bị áp xe hóa nằm ngay ở chân lông mi, có triệu chứng điển hình của viêm cấp tại chỗ: sưng, nóng, đỏ, đau và tiến triển nhanh. Thường sưng to cả mi mắt, cũng có khi sưng ít. Lẹo ở sát ngay bờ mi và dính chặt vào da mi, sau 3-4 ngày lẹo làm mủ rồi vỡ. Tổn thương hay tái phát.
 
Để phòng ngừa bệnh cần giữ vệ sinh mắt và bờ mi, nhất là sau khi đi qua những vùng bụi bặm, rửa mi mắt bằng nước nước muối sinh lý, kết hợp chườm ấm, mát xa mi mắt hàng ngày. 
 
Chú ý không nên tự chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn vì dễ làm tổn thương lan rộng, dai dẳng, dễ tái phát để lại sẹo xấu.
 
Mắt bầm tím
 
Bầm tím mắt sau chấn thương là do chảy máu dưới da xung quanh mắt. Đôi khi chấn thương sẽ đi kèm với tổn thương nhãn cầu, gây ra chảy máu bên trong mắt, gây tổn thương giác mạc…làm giảm thị lực. 
 
Trong một số trường hợp áp suất bên trong nhãn cầu tăng cao (tăng nhãn áp)  nên cần kiểm tra chuyên khoa mắt. Bầm tím mắt cũng có thể là dấu hiệu cho thấy chấn thương ở sâu hơn, thậm chí là gãy xương hộp sọ, đặc biệt nếu các khu vực xung quanh cả hai mắt thâm tím hoặc nếu đã có chấn thương đầu. 
 
Trẻ bị bầm tím ở mắt cần được chăm sóc y tế ngay lập tức nếu gặp vấn đề về tầm nhìn (nhìn đôi, nhìn mờ), đau nặng, chảy máu trong mắt hoặc từ mũi.

Theo Vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ