Đây là hoạt động thường niên do Viện Goethe tổ chức suốt 9 năm qua và luôn bị “quá tải” về... khán giả.
Hấp dẫn vì thiết thực
9 năm qua, mỗi khi tiết thu sang, khán giả nhí Việt Nam lại được tham dự “bữa tiệc” khoa học qua phim, thường diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 12.
Còn nhớ, ở “bữa tiệc” phim khoa học đầu tiên được khai mạc tại Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), các em học sinh đã không giấu nổi sự hào hứng, ngạc nhiên khi được thưởng thức những bộ phim khoa học có đề tài xoay quanh Trái đất.
Không hào hứng sao được khi các em được thấy chuyến bay vào vũ trụ, đến những mạch nước phun ở Iceland. Để rồi mắt chữ A, mồm chữ O khi quan sát việc luộc trứng từ nguồn nước tự nhiên.
Không chăm chú sao được khi những cô cậu học trò tuổi teen được xem những thước phim sống động mà giản dị về khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản).
Các em còn được thực hành thí nghiệm khi tham gia nghiên cứu khí thải từ ống xả xe máy hay cùng trải nghiệm các trò chơi để thấy được sự lãng phí năng lượng mới như thế nào…
Từ buổi khai mạc đầu tiên ấy, những niềm hào hứng, ngạc nhiên không hề giảm nhiệt, trái lại ngày càng nhân lên qua các mùa liên hoan của 8 năm tiếp theo.
Với những chủ đề gần gũi và thời sự như “Tự nhiên và môi trường” (2012), “Năng lượng tái tạo và bền vững” (2013), “Công nghệ tương lai” (2014), “Thế giới ánh sáng” (2015), “Khoa học nguyên vật liệu” (2016), “Kỷ nhân sinh” (2017), “Cuộc cách mạng thực phẩm” (2018), “Humboldt và mạng lưới sự sống” (2019), hàng trăm nghìn khán giả nhí khó lòng quên những thước phim sống động, dí dỏm cùng các thực hành, thí nghiệm thú vị.
Ví như, khi xem bộ phim khoa học mô tả một chiếc xe chạy bằng năng lượng… chanh trong “những ngày sôi động” tại Viện Goethe, nhiều bạn nhỏ cứ trầm trồ thán phục nhưng lại chưa thật tin nước chanh có… điện.
Thế nhưng, ngay sau đó các em đã được tự tay thí nghiệm để rồi thích thú reo lên: “Có điện, có điện”. Hay như các khán giả là học sinh khối 5 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã không thể dời mắt trước những thước phim lý giải vì sao tổ ong lại có hình lục giác, cách chế tạo giấy từ phân voi như thế nào, vai trò của muối trong… cây kem…
“Chúng em đã vô cùng hồi hộp và sung sướng khi lần đầu được thưởng thức những bộ phim khoa học lý thú ấy. Thật sự là rất tuyệt vì từ giờ trở đi khi ăn kem em sẽ biết ngay nhờ có muối thì kem mới được đóng băng cũng như chống trơn trượt” – cô bé Nguyễn Thị Hạnh từng hào hứng chia sẻ về những khám phá của mình về phim khoa học như thế.
Thậm chí, có bạn nhỏ còn chia sẻ, khi xem phim khoa học, bạn nhỏ ấy “bắt được” câu nói rất chí lý của một nhân vật trong phim: “Không cách này thì cách khác”. Từ đó, câu nói ấy đã đồng hành trong học tập, cuộc sống của bạn nhỏ.
Phủ rộng nhưng vẫn… “khát”
Ngay từ liên hoan đầu tiên, “bữa tiệc” phim khoa học với những “món ăn” đa vị của cả chục bộ phim đặc sắc được ban tổ chức chọn lọc từ hàng trăm phim trên thế giới đã không chỉ “đổ bộ” ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế… mà còn “phủ” khắp các tỉnh thành trong cả nước như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Bình Dương, Phú Thọ…
Và cùng với việc chiếu phim đến tận các trường học, liên hoan còn tổ chức “Cuối tuần xanh”, “Những ngày sôi động”, “Ngày khám phá khoa học”… dành cho mọi đối tượng khán giả ở Viện Goethe Hà Nội. Vì vậy, tính đến nay liên hoan đã phục vụ hàng trăm nghìn lượt khán giả nhí, không chỉ là hoạt động chiếu phim mà còn có cả những hoạt động vui chơi, trải nghiệm khiến các em luôn… mê tít.
Thế nhưng dường như những nỗ lực đó của ban tổ chức vẫn chưa thể làm dịu “cơn khát” phim khoa học của khán giả nhí trong cả nước. Những lần liên hoan phim được khai mạc ở rạp Kim Đồng (Hà Nội), khán giả đã đến chật kín.
Hoặc đến những ngày cuối tuần xanh, ngày sôi động, ngày khám phá, trải nghiệm khoa học ở Viện Goethe, ban tổ chức luôn phải hẹn khán giả chờ đến liên hoan năm tới khi lượng người đăng ký qua website bị quá tải và phải chốt trước ngày tổ chức cả nửa tháng.
Còn khi đến với các trường phổ thông đông học sinh thì liên hoan cũng chỉ có thể phục vụ được một nhóm lớp (vài trăm học sinh). Cũng có khi ban tổ chức chia ngày 4 ca hoạt động từ sáng sớm đến chiều muộn song vẫn có những khán giả tiếc nuối không được tham dự vì đăng ký chậm (tại Viện Goethe) hoặc lớp của mình… chưa đến lượt (ở trường học).
“Có thể thấy, nhu cầu muốn được khám phá khoa học từ phim của khán giả Việt Nam, không riêng gì các em thiếu niên, nhi đồng mà cả các bậc phụ huynh là rất lớn – theo từng năm.
Thực tế ấy đem đến cho ban tổ chức niềm vui cũng như động lực nhưng chắc chắn rằng sẽ còn là những áp lực không hề nhỏ”, một thành viên của ban tổ chức liên hoan cho biết.
Liên hoan phim Khoa học trẻ em và thanh thiếu niên được bắt đầu từ năm 2005 và năm 2011 thì được Viện Goethe đem đến Việt Nam. Hiện nay, liên hoan được tổ chức thường niên ở Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La tinh, Trung Đông, châu Phi. Được biết, không chỉ ở Việt Nam, liên hoan luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khán giả (độ tuổi 6 – 18 tuổi) ở khắp nơi trên thế giới.