Tham dự có Hội nghị có bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đại diện công đoàn các cấp, các Sở GD&ĐT. Thứ trường Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh dự và phát biểu ý kiến.
Đề án 404 ra đời do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đứng ra làm đầu mối thực hiện đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 7/2020, tổng số nhóm trẻ tư thục độc lập được hỗ trợ, kiện toàn phát triển là 990 nhóm thuộc 20 tỉnh, thành phố (chỉ tiêu đề ra là 500 nhóm). Ban điều hành Đề án 404 đã biên soạn tài liệu tập huấn và hướng dẫn, các tỉnh thành tiến hành tập huấn tại địa phương. Hội phụ nữ các cấp và ngành giáo dục các cấp đã phối hợp tổ chức tập huấn cho hơn 27 nghìn người về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho chủ nhóm, người chăm sóc trẻ.
Ban điều hành Đề án còn thành công ở việc kiên trì tham mưu để có những chính sách hỗ trợ cho nữ công nhân và các con của nữ công nhân, huy động nguồn lực để làm các phòng hút sữa, trữ sữa. Đây là hoạt động rất thiết thực dành cho các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú. Hỗ trợ một phần cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ. Các cấp hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục cùng chung tay trong công tác quản lý, giám sát nhóm lớp tư thục.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minhthay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT gửi lời cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Điều hành ĐA Trung ương, các ban ngành đoàn thể ở các địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em MN là con công nhân lao động. Qua hơn 5 năm triển khai Đề án, ngành GD từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai thực hiện Đề án theo đúng lộ trình. Công tác phối hợp chỉ đạo và tổ chức được thực hiện chặt chẽ, có lồng ghép với việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của các ngành đã đem lại những hiệu quả rõ rệt.
Thứ trưởng cho rằng, để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân làm việc tại khu công nghiệp, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT dự kiến triển khai một số công việc: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương củng cố, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các nhóm trẻ đã được Đề án hỗ trợ, kiện toàn. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập;. Tổ chức triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển GDMN, đặc biệt là các chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp.
Xây dựng Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDMN độc lập theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất một số nội dung ưu đãi về chính sách xây dựng cơ sở vật chất, đất đai, thuế, tín dụng đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp; Tiếp tục công tác bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người chăm sóc trẻ tại nhóm trẻ ĐLTT. Thường xuyên tuyên truyền, bồi dưỡng về đạo đức nhà giáo, tình thương yêu đối với trẻ cho đội ngũ.
Chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, ban ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ cho các bậc cha mẹ và cộng đồng.
Để kết quả Đề án được duy trì bền vững, Bộ GDĐT có 1 số đề xuất, kiến nghị:
Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn GVMN là cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại các nhóm lớp ĐLTT ở khu vực có khu công nghiệp phần lớn GVMN có trình độ trung cấp. Do đó, để bảo đảm các nhóm trẻ ĐLTT đã được Đề án hỗ trợ hoạt động ổn định, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố tham gia Đề án 404 bố trí kinh phí từ ngân sách thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non tại các nhóm trẻ tham gia Đề án theo hướng dẫn tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đào tạo.
Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp phụ nữ các địa phương phối hợp với ban ngành có liên quan cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ cho các Hội viên, bà mẹ; giám sát việc thực hiện các quy định đối với nhóm lớp mầm non độc lập tại cộng đồng; tuyên truyền cho các cấp hội quan tâm việc đưa trẻ ra nhóm lớp đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần.
Đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có chương trình, kế hoạch phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ đối với nữ công nhân lao động tại các KCN nhằm phối hợp tốt với cơ sở GDMN trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.