Do môi trường giáo dục cạnh tranh, trẻ em, từ trước khi vào tiểu học, đã không có thời gian giải trí, hoạt động ngoại khóa.
Có con trai 5 tuổi, chị Kim, 35 tuổi, sống tại Seoul, đang cân nhắc gửi con vào học trường quốc tế hoặc du học. Bà mẹ nhận định hệ thống giáo dục Hàn Quốc quá khắt khe và không có chỗ cho tư duy tự do.
“Ở nước này, văn hóa thi cử đầy áp lực cùng môi trường giáo dục cạnh tranh khốc liệt khiến các bà mẹ phải lên kế hoạch giáo dục con rất sớm, từ việc con sẽ học tại trường, cơ sở giáo dục nào đến tham gia hoạt động gì. Tôi không chắc có thể chạy theo nhịp điệu này”, chị Kim bày tỏ.
Theo nghiên cứu về sức khỏe trẻ 10 tuổi do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Trường Đại học Seoul thực hiện vào năm 2019, Hàn Quốc đứng thứ 31 trên 35 quốc gia được khảo sát. Hầu hết trẻ em được hỏi đều cảm thấy không hài lòng với cách sử dụng quỹ thời gian của mình do phải học nhiều. Nhiều phụ huynh xoay xở tìm môi trường học tập phù hợp hơn giúp con giảm bớt áp lực.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Hàn Quốc vẫn là một nơi thích hợp cho sự phát triển của trẻ em.
Chị Meredith Khanloo, giáo viên tiếng Anh đến từ Mỹ sống tại Daegu, Hàn Quốc, cho biết, các con rất thích lớn lên tại xứ sở kim chi vì quốc gia này có mức độ an toàn và an ninh công cộng cao.
Chị Khanloo giải thích, ở bang Texas, Mỹ, trẻ không thể tự đi học võ hay tham gia hoạt động ngoại khóa nếu phụ huynh không trực tiếp đưa đón con. Nhiều trẻ em bị dụ dỗ vào con đường nghiện ma tuý hoặc vướng vào các vụ xả súng.
Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, trẻ có thể tự tham gia hoạt động ngoài trường học không cần người lớn đi kèm. Nước này được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới.
Trong những năm trở lại đây, dựa trên sáng kiến của Bộ Giáo dục, Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư vào giáo dục đa dạng cho học sinh, cải tạo trường học hay phân phối thiết bị học tập điện tử cho học sinh.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nền tảng kinh tế - xã hội, học sinh, sinh viên sẽ được tham gia chương trình chăm sóc sau giờ học miễn phí, phân bổ bữa ăn trợ cấp, sách giáo khoa hoặc định hướng nghề nghiệp bổ sung.
Chị Cho Ok-huyn, sống tại thành phố Cheonan, đánh giá chính sách hỗ trợ trên đã hỗ trợ nhiều gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục con cái. Tại thành phố Cheonan không có trung tâm dạy thêm hay cơ sở giáo dục tư nhân nên sự hỗ trợ từ chính phủ giúp trẻ được học tập, giải trí đầy đủ sau giờ học.
Các nhà giáo dục cũng nhận định ngày nay, trẻ em được hỗ trợ nhiều hơn trước. Họ cho rằng, nhiều người sai lầm khi đánh giá Hàn Quốc không phải nơi hạnh phúc cho trẻ.
Chị Im Gyeong-ri, 31 tuổi, giáo viên tiểu học tại thành phố Incheon, bày tỏ: “So với thời của tôi, môi trường giáo dục bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Nguồn ngân sách chính phủ dồi dào giúp trẻ được giáo dục ở nhiều khía cạnh”.
Tuy nhiên, nữ giáo viên cũng thừa nhận những đứa trẻ vẫn phải chịu gánh nặng học thêm để cạnh tranh vào đại học. Điều này tước đi thời gian, cơ hội sống hạnh phúc của trẻ trong khi chính phủ thiếu nguồn lực giải quyết vấn đề trên.
Các chuyên gia Hàn Quốc gợi ý, xã hội cần coi trẻ như một pháp nhân với quyền lợi, nghĩa vụ và được cấp nguồn lực để đảm bảo chất lượng cuộc sống.