Trẻ dùng thẻ ATM: Nên hay không?

GD&TĐ - Theo Thông tư 19 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, từ ngày 15/8, trẻ từ 6 tuổi trở lên được sử dụng thẻ ATM. Mặc dù quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay, song bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít các bậc cha mẹ lo ngại khó kiểm soát chi tiêu của con trẻ.  

Trẻ dùng thẻ ATM: Nên hay không?

Xu hướng tiên tiến

Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mở rộng phạm vi sử dụng thẻ ATM cho trẻ em. Nếu như trước đây, việc sử dụng thẻ chỉ áp dụng cho người từ 15 tuổi trở lên, thì nay trẻ em từ 6 tuổi trở lên sẽ có cơ hội giao dịch bằng thẻ ATM.

Theo quy định mới từ phía NHNN, trẻ từ 6 - 15 tuổi chỉ được quẹt thẻ chứ không được rút tiền mặt như trẻ từ 15 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, NHNN cũng quy định rõ rằng, trẻ từ 6 - 15 tuổi chỉ được sử dụng để thanh toán đúng mục đích mà chủ thẻ chính là bố mẹ đã thỏa thuận bằng văn bản với ngân hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là bước tiến mới trong chính sách về hoạt động thẻ ngân hàng của cơ quan quản lý theo thông lệ quốc tế. Đây là xu hướng ở nước ngoài, khuyến khích người trẻ tự lập và tự thanh toán một số hàng hóa, dịch vụ cho mình. Với trẻ em, dùng thẻ thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ có thể tránh các sự cố đáng tiếc như cướp giật, móc túi… Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn tỏ ý lo ngại khó kiểm soát chi tiêu của con.

Anh Lê Duy Toản, (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai tôi năm nay lên lớp 9, sau khi nghe thông tin trên truyền hình, liền xin bố mẹ làm thẻ ATM, nhưng vợ chồng tôi cũng lo ngại không biết có nên làm thẻ cho con hay không. Dùng thẻ có cái lợi là không lo mất tiền như cầm tiền mặt và trẻ có tiền để đề phòng những trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, làm sao để chúng tôi kiểm soát chi tiêu của con, mặc dù ngân hàng đã có hệ thẻ phụ rút tiền ở đâu, lúc nào đều được thông báo ngay, nhưng khi đó cũng là sự đã rồi, làm sao ngăn cản con không chi tiêu được”.

Dạy con dùng tiền hợp lý

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Á Châu (Hà Nội) cho rằng: “Việc trẻ được dùng thẻ ATM cũng là một cách giáo dục tốt, giúp trẻ hiểu biết về cách sử dụng tiền và tiết kiệm tiền một cách thông minh trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ không phải ai cũng biết cách dạy con về tiền cũng như tiêu tiền sao cho phù hợp. Tuy nhiên, các cha mẹ cũng phải thuộc tính cách của con mình, kiểm soát chặt chẽ con hơn để cho con sử dụng hợp lý”.

Theo Th.s Phạm Thị Yến, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, những băn khoăn của phụ huynh là chính đáng, bởi các bậc cha mẹ thường quan niệm không nên dạy con tiêu tiền quá sớm vì sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Với trẻ, những tấm thẻ ATM giống như là một phép màu bởi chúng sẽ đạt được ý nguyện mua những gì mình thích chỉ cần thao tác đưa thẻ vào máy. Tuy nhiên, bố mẹ cần phân tích cho trẻ hiểu để có tiền mua nhà, mua xe, sắm áo quần, bố mẹ phải làm việc vất vả như thế nào nên các bé phải biết quý trọng, tiết kiệm tiền, cất giữ tiền cẩn thận, không được lãng phí.

ThS Phạm Thị Yến khuyên, các bậc cha mẹ có thể đưa ra ví dụ như để mua cho con chiếc xe đạp, bố mẹ phải làm vất vả trong bao nhiều ngày, cha mẹ cũng có thể cho con một số tiền tương ứng hàng tháng chi tiêu cho bút, tẩy, thước… nếu không biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý, nếu mất thước, hết bút chì, không có tiền mua đồng nghĩa với việc không có để dùng, từ đó, con trẻ sẽ biết cách sử dụng tiền hợp lý hơn với món đồ cần mua… cứ như thế con sẽ hiểu và biết quý trọng giá trị, ý nghĩa của tiền bạc trong cuộc sống.

Những bài học về tiền bạc mà bố mẹ cần dạy trẻ rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên với cách dạy trẻ quản lý tiền hợp lý ngay từ nhỏ trên đây đóng vai trò quan trọng mà bạn cần áp dụng hàng ngày, hàng giờ đối với các bé. Nếu cha mẹ giải thích cho con hiểu về giá trị của đồng tiền và dạy con sử dụng tiền đúng cách thì việc cho con sử dụng thẻ ATM sẽ giúp trẻ biết quý trọng đồng tiền và sống có trách nhiệm hơn.

Theo Thông tư 19 của NHNN quy định: “Trẻ dưới 15 tuổi sử dụng thẻ phụ không được rút tiền mặt mà chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán có mục đích. Thẻ phụ này thường có người đại diện pháp luật là bố mẹ, nên có thể kiểm soát được mức độ chi tiêu và đảm bảo được các mục đích cơ bản như tiền học và mua dụng cụ học tập. Hạn mức chi tiêu của thẻ phụ cũng được chủ thẻ trao đổi với đơn vị phát hành, để đưa ra con số cụ thể theo ngày hoặc tháng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.