Theo BS Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), lạm dụng tình dục là 1 trong số 10 trải nghiệm tiêu cực sẽ ảnh hưởng cực kì sâu sắc đến cuộc đời của trẻ về sau này.
“10 trải nghiệm ấy bao gồm bị lạm dụng thể chất, tinh thần, tình dục, không đủ ăn, đủ mặc, không có chỗ ở an toàn, không nhận được sự yêu thương của mọi người và trong gia đình có người bị bệnh tâm thần, bị giam giữ, bị nghiện rượu, ma túy… và không được sống cùng cha mẹ.
Theo nghiên cứu, những hậu quả cuộc đời con người tỉ lệ thuận với số trải nghiệm tiêu cực mà người đấy trải qua. Càng có nhiều trải nghiệm tiêu cực thì hậu quả sau này khi lớn lên sẽ lớn bấy nhiêu”, BS Oanh nói.
BS Oanh cho biết, theo nghiên cứu người ta thấy rằng những trải nghiệm tiêu cực như lạm dụng tình dục thậm chí có thể tác động đến cấp độ ADN, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về ung thư, bệnh lí về tim mạch, hô hấp cao hơn những trẻ không bị xâm hại.
Bên cạnh đó, những hành vi tiêu cực này còn ảnh hưởng không lành mạnh đến nguy cơ về hành vi của trẻ như quan hệ tình dục sớm hơn, có bạn tình sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nguy cơ nhiễm HIV cao hơn.
“Trẻ bị lạm dụng sẽ có nguy cơ nổi loạn, chống lại xã hội, nguy cơ vi phạm pháp luật cao hơn nếu không được trị liệu tâm lí kịp thời. Số hành vi tiêu cực càng nhiều thì số năm sống sẽ ngắn hơn”, BS Oanh phân tích.
Liên quan đến những vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tục diễn ra trong thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu liên quan đến hậu quả của việc xâm hại tình dục cho rằng những người bị xâm hại tình dục khi còn bé có nguy cơ rất lớn về trầm cảm, nguy cơ về sức khỏe tâm thần.
BS Oanh cho rằng, với những trẻ bị lạm dụng về tình dục sẽ để lại những cú sốc nặng nề về tâm lí, lúc này cần nhất là sự thấu hiểu của gia đình, xã hội cũng như những liệu pháp trị liệu về tâm lí một cách bài bản để trẻ vượt qua những chấn động này.
“Gia đình cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc cũng như động viên trẻ, cho trẻ cảm giác an toàn. Phụ huynh cần lắng nghe trẻ, cho trẻ được tâm sự, giãi bày, tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của trẻ.
Từ đó có thể nhẹ nhàng lồng ghép những bài học về cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm có thể chực chờ. Tuyệt đối không được để trẻ có cảm giác đơn độc trước biến cố xảy ra. Điều đó là cực kì nguy hiểm”, BS Oanh nhấn mạnh.