Trẻ 3 tuổi bị viêm da cơ địa có phải kiêng ăn hải sản?

Cứ vài tháng bé lại bị nổi mẩn đỏ, ngứa rát ở 2 má, nhất là sau khi bé ăn các thực phẩm như cháo tôm, cua, hải sản... Tôi cho con đi khám thì được chẩn đoán là viêm da cơ địa.

Trẻ 3 tuổi bị viêm da cơ địa có phải kiêng ăn hải sản?

Hà Xuân (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) hỏi: Con trai tôi gần 3 tuổi nhưng cứ vài tháng bé lại bị nổi mẩn đỏ, ngứa rát ở 2 má, nhất là sau khi bé ăn các thực phẩm như cháo tôm, cua, hải sản... Tôi cho con đi khám thì được chẩn đoán là viêm da cơ địa. Vậy bệnh này có chữa khỏi được không và cháu có phải kiêng hoàn toàn các thực phẩm là hải sản không?

- PGS-TS Nguyễn Duy Hưng, Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam, trả lời:Những biểu hiện như bạn kể thì nhiều khả năng con bạn bị viêm da cơ địa. Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema… là bệnh ngoài da khá phổ biến trong cộng đồng, mọi lứa tuổi có thể mắc nhưng gặp nhiều hơn cả là ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh.

Biểu hiện bệnh là đám da đỏ, mụn nước, vảy tiết do mụn mủ gây nên, người bệnh ngứa nhiều. Nó trở thành vòng luẩn quẩn, ngứa gây bội nhiễm, rồi bội nhiễm thêm một số vi khuẩn khác như tụ cầu vàng và là tác nhân quan trọng làm bệnh nặng hơn, gây bệnh phức tạp hơn.

Khác với các bệnh lý như: viêm da dị ứng hay nẻ, rôm sảy sau một thời gian sẽ khỏi hẳn, viêm da cơ địa tiếp tục gây bệnh cho trẻ suốt những năm tháng đầu đời. Bản chất viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là hay tái phát khiến bố mẹ lo lắng nhưng bệnh này không thể chữa một lần là khỏi vĩnh viễn. Thông thường, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân dùng corticoid bôi trong thời gian ngắn, giảm dần lượng bôi, bôi cách ngày để cơ thể quen dần việc điều trị. 

Viêm da cơ địa có 2 yếu tố: một là di truyền theo gien, hai là yếu tố môi trường. Về gien hiện chúng ta chưa có một phương pháp nào để hạn chế. Về môi trường, gồm môi trường người bệnh có thể hạn chế các yếu tố nguy cơ như: sử dụng thực phẩm dễ gây kích ứng (tôm, cua, hải sản...) hay các hóa chất (sữa tắm) có tính kiềm cao.

Cũng cần lưu ý khi con trẻ bị bệnh đừng để con dùng tay gãi ngứa bởi việc này chỉ khiến cho da nổi mẩn dày hơn và làm tổn thương vùng da bị bệnh dẫn đến viêm nhiễm nặng hơn. Không nên tùy tiện dùng thuốc, nhất là thuốc giảm ngứa có nồng độ corticoid cao mà cần tái khám theo chỉ định của bác sĩ khi bị mẩn ngứa.

Theo Nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ