Trao tự chủ, cần xem xét đóng góp của trường ĐH với xã hội

GD&TĐ - Ông Ieuan Ellis - Hiệu phó Đại Học Staffordshire (Anh Quốc) - khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại cho rằng: khi ứng dụng sự tự chủ vào các trường ĐH tại Việt Nam, cũng phải xem xét cả sự đóng góp của họ tới sự phát triển chung của xã hội.

Trao tự chủ, cần xem xét đóng góp của trường ĐH với xã hội

Tự chủ và giám sát

- Giáo dục đại học Việt Nam đang đẩy mạnh tự chủ - điều này, chúng tôi có thể học hỏi được những gì của giáo dục đại học Anh Quốc?

Việc tự chủ đại học, dù là với các ngành học hay các công trình nghiên cứu, là rất quan trọng với các trường đại học ở bất kỳ đâu, và họ phải có trách nhiệm với sự tự chủ này.

Tuy nhiên, Chính phủ sẽ luôn muốn có một sự ảnh hưởng nhất định đối với hoạt động của nhà trường, điều này thường liên quan tới việc đảm bảo giữ vững tiêu chuẩn giáo dục và đào tạo chung.

Dù vậy, yếu tố quan trọng nhất đối với các cơ sở giáo dục đại học là mang lại lợi ích và ảnh hướng tích cực cho cộng đồng, xã hội, và cho chính sinh viên của mình.

Ở Anh Quốc, chất lượng của một trường đại học được đánh giá dựa trên hai tiêu chí, đó là chất lượng của giảng dạy và khả năng xin việc của sinh viên (tỉ lệ sinh viên có việc làm hoặc theo học cao hơn trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp).

Năm vừa rồi, ĐH Staffordshire vinh dự được giải Bạc toàn quốc về chất lượng giảng dạy (Theo The Times Higher Education). Đồng thời, ĐH Staffordshire là trường đại học đứng đầu nước Anh về khả năng xin việc của sinh viên, với hơn hơn 95% sinh viên có được việc làm hoặc theo học cao hơn trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp (Theo Higher Education Statistic Agency – tạm dịch: Cơ quan Số liệu Giáo dục bậc cao của Anh Quốc).

Những số liệu này thông tin mà luật pháp quy định tất cả trường đại học tại Anh Quốc phải cung cấp cho Chính phủ mỗi năm, số liệu sẽ được lưu trữ trong kho dữ liệu của toàn quốc, được đối chiếu và giám sát chặt chẽ và cũng được sử dụng để xếp hạng chất lượng các trường.

Mặc dù việc tự chủ là rất quan trọng, chúng ta vẫn cần một sự giám sát nhất định tới chất lượng của giảng viên cũng như sinh viên.

Điều quan trọng nhất mà các trường cần đạt được là sự đóng góp cho nền kinh tế địa phương, cũng như sự phát triển và thịnh vượng chung của quốc gia và khu vực.

Vì vậy, khi ứng dụng sự tự chủ vào các trường ĐH tại Việt Nam, ta cũng phải xem xét cả sự đóng góp của họ tới sự phát triển chung của xã hội.

- Ở Việt Nam, việc công khai số lượng sinh viên ra trường có việc làm cũng là bắt buộc với các trường đại học. Tuy nhiên, độ tin cậy trong số liệu của không ít trường công bố còn chưa thực sự chuẩn xác, do khó khăn trong việc lấy phản hồi từ cựu sinh viên. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của ĐH Staffordshire

Về độ chính xác của số liệu thống kê, quy trình mà ĐH Staffordshire cùng phần lớn các đại học khác tại Anh quốc thường làm đó là liên tục giữ liên lạc với các cựu sinh viên của mình và liên tục cập nhật tình trạng việc làm của họ qua các kênh như điện thoại, Facebook, email, sự kiện… ngay từ lúc họ tốt nghiệp.

Quy trình này cũng là quy trình tiêu chuẩn tại ĐH Anh Quốc Việt Nam.

Ông Ieuan Ellis phát biểu trong lễ tốt nghiệp năm 2017 của Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam
Ông Ieuan Ellis phát biểu trong lễ tốt nghiệp năm 2017 của Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam

Giáo dục ĐH Việt Nam đang có nhiều cơ hội 

- Ông có thể cho biết một số nhận định của mình về giáo dục đại học Việt Nam?

Môi trường giáo dục bậc ĐH tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa những đối tác tiềm năng. Một trong những ví dụ điển hình chính là hợp tác giữa ĐH Staffordshire và ĐH Anh Quốc Việt Nam.

Đây chính là cơ hội để giáo dục Việt Nam chắt lọc những tinh hoa về chuyên môn của cả hai nền giáo dục và từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tôi mong rằng điều này sẽ mở ra nhiều lựa chọn giáo dục hơn cho sinh viên Việt Nam. Theo nhận định của tôi, trong tương lai, những mô hình tương tự sẽ còn phát triển và sẽ chú trọng vào kết hợp những gì tốt đẹp nhất từ cả hai phía.

- Từ những sinh viên theo học tại Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, ông đánh giá về sinh viên Việt Nam như thế nào?

Tôi mới nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng ĐH Staffordshire từ tháng 1 năm 2017, vì vậy chưa có nhiều sự tiếp xúc với các sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam để đưa ra nhận xét.

Tuy nhiên, từ những nhận xét của những giáo sư, học giả tại ĐH Staffordshire đã có nhiều sự tiếp xúc với sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, tất cả đều tỏ ra rất ấn tượng về năng lực của sinh viên Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam, điển hình là qua các bài thi và dự án mà họ chấm.

Và điều này cũng làm cho tôi rất lạc quan và nóng lòng cải thiện hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa ĐH Staffordshire và Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam.

"Với những thử thách hiện tại trong thị trường lao động trên toàn thế giới cùng sự đổi mới đang diễn ra nhanh tại tất cả các ngành công nghiệp, nhu cầu nhân lực sẽ hướng tới những cá nhân có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cùng khả năng thích nghi và sáng tạo.

Đây là thời điểm mà những mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa các trường đại học sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đảm bảo rằng sinh viên có được đầy đủ nền tảng để không chỉ đáp ứng được nhu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng, mà còn có khả năng tạo ra và dẫn đầu xu thế mới, trở thành nguồn lực chủ chốt cho sự phát triển của kinh tế và xã hội".
- Ông Ieuan Ellis

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ