Trao thưởng cho học sinh: Đã “hứa” thì phải làm

GD&TĐ - Trước thông tin về việc tỉnh Quảng Ngãi thu hồi kinh phí khen thưởng HS đạt thành tích cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm không nên thực hiện quyết định này.

Nỗ lực của học sinh và ngành Giáo dục trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh. Ảnh minh họa: Hồ Lài
Nỗ lực của học sinh và ngành Giáo dục trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh. Ảnh minh họa: Hồ Lài

Đồng thời đề xuất, tỉnh nên vận dụng linh hoạt để tiền thưởng vẫn được trao cho các em.

Đừng làm tổn thương con trẻ

Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo “nóng”…
Ngày 29/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký văn bản hỏa tốc yêu cầu báo cáo, đề xuất hướng giải quyết đối với việc dừng khen thưởng cho học sinh đang được báo chí quan tâm, phản ánh.
Ông Đặng Văn Minh yêu cầu, Sở GD&ĐT khẩn trương rà soát, báo cáo việc tổ chức khen thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong các Kỳ thi THPT. Đồng thời báo cáo rõ việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh ngày 2/10/2020 về khen thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo, dựa trên Nghị quyết của HĐND và Quyết định 29 của UBND tỉnh quy định việc khen thưởng cho học sinh, Sở Nội vụ phải rà soát và đề xuất UBND tỉnh phương án giải quyết đối với thông tin báo chí đang quan tâm phản ánh. Chậm nhất trong ngày 30/12, Sở Nội vụ phải hoàn thành công tác tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Vân (đoàn Quảng Ngãi) cho biết: Mấy ngày qua, tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri địa phương về việc UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định thu hồi kinh phí khen thưởng học sinh đạt thành tích cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

“Tôi khá băn khoăn và có kế hoạch ngày 30/12 sẽ làm việc với đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ về việc này. Sau khi nắm bắt thông tin chính xác, tôi sẽ có ý kiến trực tiếp với lãnh đạo hai sở này nói riêng và lãnh đạo tỉnh nói chung” – đại biểu Hồ Thị Vân cho hay; đồng thời nêu quan điểm: Nên duy trì chính sách khen thưởng cho học sinh đạt thành tích cao như nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành. Bởi đây là chính sách nhân văn và có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. 

Theo đại biểu Hồ Thị Vân, không nên vội vàng thu hồi kinh phí khen thưởng của các em. Việc này, cần xem xét lại cho thấu tình, đạt lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, bộ phận tham mưu cần đề xuất để có giải pháp tháo gỡ. “Chính sách khen thưởng học sinh giỏi, đạt thành tích cao tại các kỳ thi được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Phụ huynh và học sinh thuộc đối tượng được khen thưởng đang háo hức, chờ đón phần thưởng mà lãnh đạo tỉnh trao tặng. Nay có quyết định thu hồi; chắc chắn không tránh khỏi tâm lý hụt hẫng. Vì thế cần cân nhắc và xem xét cho thấu đáo” - đại biểu Hồ Thị Vân đề xuất.

Thẳng thắn nêu ý kiến không nên thu hồi kinh phí khen thưởng học sinh, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: Việc này không những ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, phụ huynh mà còn tác động không tốt đến dư luận xã hội.

Theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, trước năm 2020, vẫn còn là Kỳ thi THPT quốc gia nhưng do bối cảnh thực tiễn khách quan nên phải chuyển thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc này ai cũng biết, hơn nữa, kỳ thi vẫn đạt được hai mục đích là: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do đó, không nên vì câu chữ mà làm mất đi ý nghĩa của chính sách tốt đã đi vào lòng dân từ nhiều năm nay. Nếu chỉ vì chữ “quốc gia” thay bằng chữ “tốt nghiệp” mà thu hồi kinh phí khen thưởng học sinh là máy móc, thiếu linh hoạt.

Đại biểu Mai nhấn mạnh: Bộ phận tham mưu cần rút kinh nghiệm. Bởi nếu đã cho rằng, việc ban hành quyết định khen thưởng với học sinh đạt thành tích cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là không đúng đối tượng so với Nghị quyết 01/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh, việc ban hành quyết định thu hồi kinh phí khen thưởng càng không nên thực hiện. Bởi không nên “sai chồng sai”. Thay vào đó, chúng ta nên vận dụng linh hoạt để các em vẫn được nhận thưởng; vừa bảo đảm đúng quy định, hợp tình, hợp lý” - đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nói.

Quyết định cần thấu tình đạt lý

Theo đại biểu Quách Thế Tản, tỉnh Quảng Ngãi nên tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Theo đó, một trong những chính sách nhân văn và thiết thực là trao thưởng cho giáo viên và học sinh đạt thành tích cao. Nếu chúng ta đã hứa khen thưởng thì phải làm. Việc trao thưởng cũng vậy, nên có cách ứng xử khéo léo để không làm tổn thương con trẻ và những người liên quan.

Chia sẻ với những khó khăn, trăn trở của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho hay: Khi quyết định vấn đề gì đó cần dựa trên tổng thể. Đại biểu sẽ có ý kiến tác động đến tỉnh để mọi quyết định đều phù hợp với thực tiễn trước mắt và lâu dài. 

Khẳng định, chính sách khen thưởng học sinh giỏi, xuất sắc, đạt thành tích cao tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế đã tạo động lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh; đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình mong muốn ngày càng có nhiều học sinh được khen thưởng. Vì thế, UBND tỉnh Quảng Ngãi nên xem xét việc ban hành quyết định thu hồi kinh phí khen thưởng đối với học sinh đạt thành tích cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 – 2020.

Đại biểu Quách Thế Tản phân tích: Kỳ thi THPT quốc gia của những năm trước và Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ khác nhau về tên gọi. Cả hai kỳ thi đều đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. “Nếu chỉ vì tên gọi khác nhau, mà cắt giảm, thu hồi kinh phí khen thưởng cho các em là không nên” - đại biểu Quách Thế Tản nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ