Trao sinh kế cho phụ nữ nghèo vùng biên Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) sớm vươn lên thoát nghèo, hàng chục con bò sinh sản đã được trao tặng cho chị em.

Hỗ trợ bò sinh sản cho phụ nữ nghèo ở xã Mường Chanh, Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL.
Hỗ trợ bò sinh sản cho phụ nữ nghèo ở xã Mường Chanh, Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng biên

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần hỗ trợ một bộ phận phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Tạo cơ hội, điều kiện để nhiều hội viên phụ nữ phát huy và khẳng định vị trí, vai trò trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về trách nhiệm trong tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Hưởng ứng Chương trình nêu trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Mường Chanh, để trao tặng bò giống sinh sản cho hội viên phụ nữ, nhằm giúp chị em vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Hà Thị Nhơn – Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát cho biết, từ những năm trước, Hội Hội LHPN huyện đã tổ chức thành lập Tổ hợp tác cho hội viên ở xã Mường Chanh, nhằm giúp chị em vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, qua 3 đợt hỗ trợ, đến nay Hội LHPN huyện đã tổ chức trao tặng được 45 con bò sinh sản cho Hội viên phụ nữ xã Mường Chanh. “Do nguồn vốn có hạn, nên khi thành lập được Tổ hợp tác ở xã Mường Chanh, chúng tôi tập trung quay vòng vốn để nhân rộng mô hình”, bà Nhơn nói.

Đại diện một số hộ dân ở Mường Chanh được nhận bò do Hội LHPN Mường Lát trao. Ảnh: TL.

Đại diện một số hộ dân ở Mường Chanh được nhận bò do Hội LHPN Mường Lát trao. Ảnh: TL.

Cũng theo bà Nhơn, ngày 19/9 vừa qua, Hội LHPN huyện Mường Lát tiếp tục trao 11 con bò giống cho 7/10 hộ gia đình hội viên thuộc Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản tại bản Bóng, với tổng trị giá 105 triệu đồng. Trong đó, mỗi hộ gia đình hội viên nhận bò đối ứng 5 triệu đồng; 3 hộ gia đình hội viên còn lại trong Tổ hợp tác sẽ được nhận bò giống sau khi xoay vòng vốn từ số hộ đã được nhận bò nói trên.

Để được nhận bò giống sinh sản các hội viên trong Tổ hợp tác phải cam kết: Có trách nhiệm chăm sóc bò sinh sản đạt hiệu quả cao. Không được bán, không giết thịt bò được hỗ trợ. Không được đem bò gửi cho người khác chăn dắt. Không thay đổi mục đích chăn nuôi bò sinh sản. Cam kết thoát nghèo bền vững và không tái nghèo kể từ thời điểm được công nhận thoát nghèo.

Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững

Bà Lương Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN xã Mường Chanh cho biết, từ năm 2016, khi Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản bản Chai được thành lập, có 25 hội viên được hỗ trợ vốn, để nuôi bò.

“Theo thống kê sơ bộ, các hội viên ở Tổ hợp tác bản Chai đã phát triển đàn bò rất tốt. Những năm qua, nhờ có Chương trình này, 25 hội viên ở Tổ hợp tác bản Chai đã có nhiều người vươn lên thoát nghèo điển hình. Hiện nay, đàn bò của Tổ hợp tác này đã nhân rộng lên gần trăm con bò, chưa kể một số con đã được các hộ gia đình bán để lấy tiền phát triển sản xuất”, bà Hà thông tin.

Cũng theo bà Hà, những gia đình hội viên phụ nữ ở bản Chai đã vươn lên thoát nghèo điển hình và bền vững là một phần nhờ vào mô hình chăn nuôi bò sinh sản của Chương trình này. Trong đó, các gia đình như: chị Vi Thị Mồn, Vi Thị An, ở bản Chai, là những hội viên điển hình đã vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình chị Mồn, chị An vẫn đang phát triển chăn nuôi bò sinh sản rất tốt.

Hội LHPN huyện Mường Lát trao bò sinh sản cho phụ nữ nghèo ở Mường Chanh.TL.

Hội LHPN huyện Mường Lát trao bò sinh sản cho phụ nữ nghèo ở Mường Chanh.TL.

Chị Vi Thị Niệm, là hội viên của Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở bản Bóng, vừa được nhận bò hỗ trợ từ Chương trình, tâm sự: “Gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của cấp trên và Hội LHPN huyện, cũng như Hội LHPN xã Mường Chanh đã tạo điều kiện cho chúng tôi được nhận vốn để mua bò sinh sản.

Gia đình tôi cam kết với cấp trên, sẽ thực hiện đúng cam kết của Chương trình hỗ trợ bò. Tôi cũng sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt, để có thể sớm nhân rộng được đàn bò của gia đình, để thoát nghèo”.

Có thể nói, từ số vốn ban đầu với khoảng 250 triệu đồng, nhưng Hội LHPN huyện Mường Lát đã có cách làm khá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. “Từ khi thực hiện Chương trình và thành lập mô hình, đến nay đã có 3 Tổ hợp tác và các thành viên được hỗ trợ bò đã phát triển rất tốt. Nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành...

“Số bò trên được trích từ nguồn vốn Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ cho vay không tính lãi suất. Đây cũng là mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản thứ 3 được thành lập tại xã Mường Chanh sau thành công của các Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản bản ở Chai và bản Nà Hin. Hiện nay, Hội LHPN huyện Mường Lát tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ra các địa phương trong huyện”, bà Hà Thị Nhơn - Chủ tịch Hội LHPN Mường Lát, Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ