Còn nhiều định kiến
Theo báo cáo hàng năm của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), phụ nữ vẫn thường không có tiếng nói quyết định trong gia đình, từ việc mua thức ăn đến khám chữa bệnh và điều này ảnh hưởng xấu đến con cái do không được chăm sóc đầy đủ về cả chế độ dinh dưỡng lẫn sức khoẻ.
Kết quả nghiên cứu khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện, trắc nghiệm với 8.424 phụ nữ và nam giới. Nghiên cứu chỉ rõ vai trò chăm sóc gia đình đã hạn chế cơ hội học tập và cơ hội việc làm của phụ nữ.
Cụ thể, 20% phụ nữ phải nghỉ học vì phải làm việc nhà so với 7,3% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều ở trình độ THCS trở xuống và ít hơn ở trình độ THPT trở lên; 40% đồng ý rằng nam giới không muốn yêu và kết hôn với phụ nữ có học vấn cao hơn mình; 29% đồng ý rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng.
So với nam giới, phụ nữ cũng ít được tiếp cận hơn với các khóa học về đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng do phải tham gia quá nhiều thời gian vào công việc gia đình.
Định kiến đó không chỉ tồn tại trong một bộ phận gia đình mà còn thể hiện ngay cả môi trường giáo dục. Ở trường, ngay trong các giờ học trên lớp, nhiều thầy cô luôn nhờ các em nữ lên xóa bảng hay đi giặt giẻ lau chứ hiếm thấy nhờ em nam.
Rồi ngay cả trong sách giáo khoa tiểu học cũng không ít các hình ảnh minh họa dạy trẻ phải biết làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ như quét nhà, nhặt rau… phải là hình ảnh bé gái.
Theo TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Những quan niệm truyền thống còn cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Một trong các yếu tố chủ chốt là việc gắn vai trò chăm sóc gia đình cho người phụ nữ”.
Cần trao nhiều quyền cho phụ nữ
Trao quyền kinh tế cho phụ nữ đòi hỏi việc xóa bỏ những rào cản này, bao gồm phân biệt đối xử trong luật pháp và thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng trong việc tiếp cận các cơ hội và kết quả của sự phát triển kinh tế là vấn đề đặt ra tại Tọa đàm chính sách về Bình đẳng giới với chủ đề: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm” vừa qua tại Hà Nội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức.
Hiện nay, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang khiến máy móc thay thế con người rất nhiều, đặc biệt trong các ngành gia công hay nông nghiệp. Trong khi lao động nữ Việt Nam phần lớn lại làm việc trong những ngành nghề này, nên nhiều việc làm lâu nay của phụ nữ sẽ bị mất đi.
Quá trình hội nhập cũng đòi hỏi trình độ tay nghề cao hơn, lao động nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, lao động nữ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, trong khi trình độ đào tạo lại chưa được cải thiện, nên mức lương được trả sẽ bị thấp hơn.
Đặc biệt, những gánh nặng về công việc gia đình, định kiến phụ nữ không làm việc được như nam giới khiến cho phụ nữ lại càng khó khăn để thăng tiến trong công việc, được hưởng những thành quả xứng đáng với bản thân mình.
Nhấn mạnh về vấn đề bình đẳng giới tại tọa đàm, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết:
“Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và bảo đảm quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Cương lĩnh hành động Bắc Kinh,
Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Chương trình nghị sự về Các mục tiêu Phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, điều này không thể đạt được nếu chúng ta không xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc và phân biệt đối xử trong luật pháp và thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững một cách bình đẳng cho phụ nữ”.