Trào ngược dạ dày thực quản – Căn bệnh thời hiện đại

Trào ngược dạ dày thực quản là vấn đề được các chuyên gia tiêu hóa nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Triệu chứng của trào ngược dạ dày thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác

Nguyên nhân làm cho bệnh trở nên phổ biến là do lối sống thay đổi với tốc độ nhanh, áp lực từ công việc, căng thẳng trong cuộc sống và chế độ ăn uống thất thường.

Trào ngược dạ dày thực quản – căn bệnh âm ỉ và khó chịu

Triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản là nóng rát vùng ngực, ợ nóng, ợ chua, ợ trớ thức ăn và dịch vị lên miệng. Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác như ợ hơi, buồn nôn, đắng miệng, tức ngực, khàn giọng đau họng, ho, hen... và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là do dạ dày - cơ quan khi bị kích ứng sẽ sản sinh nhiều axit, khi đó axit dư thừa sẽ trào ngược lên thực quản gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản. 

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa vào việc hỏi triệu chứng, khám bệnh,và quan trọng nhất là nội soi dạ dày thực quản. Ngoài ra một số yếu tố khác như bia rượu, thuốc lá, chế độ làm việc căng thẳng, ăn uống không hợp lý... cũng góp phần gia tăng triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày.”

Bác sĩ Lưu Phương cũng chia sẻ những dấu hiệu đầu tiên của trào ngược dạ dày là hiện tượng ợ hơi lúc đói. Tuy nhiên do ợ hơi sau ăn no cũng là hiện tượng sinh lý bình thường nên ợ hơi lúc đói rất dễ bị người bệnh bỏ qua, không quan tâm. 

Khi bệnh nặng hơn, ngoài hơi còn có cả dịch dạ dày cũng trào ngược lên thực quản, gây ra hiện tượng ợ nóng, ợ chua. Axit trong dịch dạ dày tiếp xúc với niêm mạc gây cảm giác nóng hoặc nóng rát. 

Cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, có khi lan đến vùng dưới họng hoặc lên tận mang tai, kèm theo vị chua trong miệng. Các triệu chứng này tăng lên ra sau khi ăn no, uống rượu bia, ăn thức ăn nhiều mỡ béo, đồ chua hoặc khi cúi gập người về phía trước, khi nằm nghỉ.

Bệnh trào ngược khi không được điều trị triệt để có thể để lại biến chứng: hơi thở có mùi, loét thực quản, chảy máu thực quản, gây sẹo hẹp thực quản và có nguy cơ gây ung thư thực quản.

Một số lưu ý khi điều trị bệnh:

Lời khuyên của bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương trong việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản:

- Thay đổi lối sống là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất. Cần thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, chua hoặc cay, nước uống có ga.

- Tránh tình trạng ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa ăn ít hơn, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm trong vòng 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn.

- Ngủ nằm đầu cao 15 cm so với chân. Nên giảm cân nếu thừa cân, béo phì.

- Tuân thủ chỉ định bác sĩ

- Nên bổ sung hoạt chất Sodium Alginate dạng lỏng theo đường uống để cải thiện nhanh các triệu chứng ợ chua, ợ nóng và khó tiêu. Chất Alginate có tác dụng tạo lớp màng bền vững, duy trì ổn định trên bề mặt dạ dày, tác dụng hiệu quả giúp ngăn trào ngược vào thực quản.

- Ngoài ra các thức ăn dưới đây có thể giúp cải thiện triệu chứng trào ngược: Sữa chua, bơ làm từ đậu phộng, các thực phẩm giàu chất xơ như đu đủ, các loại đậu, táo, bơ, bông cải, atiso... tốt cho sức khỏe, tốt cho vấn đề tiêu hóa và hạn chế trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược dạ dày thực quản – Căn bệnh thời hiện đại
Các thực phẩm giàu chất xơ làm giảm trào ngược dạ dày thực quản.
Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ